Điều kiện để giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước

Điều kiện để giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước
Trần Thanh Rin

Xin cho tôi hỏi để giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước thì phải đáp ứng các điều kiện như thế nào? - Cẩm Tiên (Ninh Thuận)

Điều kiện để giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước

Điều kiện để giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Thế nào là giấy tờ có giá?

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 16/2022/TT-NHNN, giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Giấy tờ có giá bao gồm: giấy tờ có giá loại ghi sổ (dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử) và giấy tờ có giá loại chứng chỉ.

2. Điều kiện để giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước

Cụ thể tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 16/2022/TT-NHNN quy định về điều kiện giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước như sau:

- Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của thành viên;

- Thuộc loại giấy tờ có giá được quy định tại khoản 1  Điều 4 Thông tư 16/2022/TT-NHNN, bao gồm:

+ Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;

+ Trái phiếu Chính phủ;

+ Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn;

+ Trái phiếu chính quyền địa phương được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thống đốc trong từng thời kỳ;

+ Trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;

+ Trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc); trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng (trừ các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt) và doanh nghiệp khác;

+ Các loại giấy tờ có giá khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

- Chưa chốt quyền nhận gốc và lãi khi đáo hạn;

- Giấy tờ có giá loại chứng chỉ lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước phải nguyên vẹn, không rách nát, hư hỏng, không bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số, không bị nhàu, nát, nhòe, bẩn, tẩy xóa.

3. Hồ sơ mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước

Để lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước, các thành viên quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 16/2022/TT-NHNN lập và gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước (bộ phận một cửa) 01 (một) bộ hồ sơ gồm:

(i) Giấy đề nghị mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá theo Phụ lục 1a/LK ban hành kèm theo Thông tư 16/2022/TT-NHNN (03 bản);

Giấy đề nghị mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá

(ii) Bản đăng ký mẫu dấu, chữ ký sử dụng tài khoản lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước theo Phụ lục 1b/LK ban hành kèm theo Thông tư 16/2022/TT-NHNN (03 bản);

Bản đăng ký mẫu dấu, chữ ký sử dụng tài khoản lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước

(iii) Các giấy tờ chứng minh việc thành viên mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá được thành lập và hoạt động hợp pháp gồm: điều lệ, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;

(iv) Các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của người đại diện theo pháp luật của thành viên mở tài khoản (quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận chức danh dự kiến, quyết định bổ nhiệm) kèm giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người đó;

(v) Văn bản hoặc quyết định bổ nhiệm và giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán, người kiểm soát chứng từ giao dịch với Ngân hàng Nhà nước;

(vi) Trường hợp người đại diện theo pháp luật, kế toán trưởng ủy quyền cho người khác (bao gồm trường hợp ủy quyền lại (nếu có)), thành viên mở tài khoản lưu ký phải cung cấp quyết định bổ nhiệm của người được ủy quyền và giấy ủy quyền theo Phụ lục 7/LK ban hành kèm theo Thông tư 16/2022/TT-NHNN kèm giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người được ủy quyền.

Quyết định bổ nhiệm của người được ủy quyền và giấy ủy quyền

Đối với giấy ủy quyền công việc của người được kế toán trưởng ủy quyền phải có chữ ký xác nhận của người đại diện của chủ tài khoản;

(vii) Thành viên không phải cung cấp các giấy tờ quy định tại (iii), (iv), (v), (vi) trong trường hợp thành viên đã cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) khi mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước hoặc trong trường hợp các thông tin nhân thân (số chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân hoặc số hộ chiếu) của người đại diện hợp pháp, kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền có thể được khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

(Khoản 1 Điều 6 Thông tư 16/2022/TT-NHNN)

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

360 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;