Điều kiện bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải được quy định như thế nào? - Duy Anh (Tiền Giang)
Điều kiện bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Điều kiện bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải theo Điều 140 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 như sau:
- Khi có yêu cầu bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải quy định tại Điều 139 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 thì Tòa án quyết định bắt giữ tàu biển trong các trường hợp sau đây:
+ Chủ tàu là người chịu trách nhiệm đối với khiếu nại hàng hải tại thời điểm phát sinh khiếu nại hàng hải và vẫn là chủ tàu tại thời điểm bắt giữ tàu biển;
+ Người thuê tàu trần là người chịu trách nhiệm đối với khiếu nại hàng hải tại thời điểm phát sinh khiếu nại hàng hải và vẫn là người thuê tàu trần hoặc là chủ tàu tại thời điểm bắt giữ tàu biển;
+ Khiếu nại hàng hải này trên cơ sở của việc thế chấp tàu biển đó;
+ Khiếu nại hàng hải này liên quan đến quyền sở hữu hoặc chiếm hữu tàu biển đó;
+ Khiếu nại hàng hải này được bảo đảm bằng một quyền cầm giữ hàng hải liên quan đến tàu biển đó.
- Việc bắt giữ tàu biển cũng được tiến hành đối với một hoặc nhiều tàu biển khác thuộc quyền sở hữu của người phải chịu trách nhiệm đối với khiếu nại hàng hải và tại thời điểm khiếu nại hàng hải đó phát sinh mà người đó là:
+ Chủ sở hữu của tàu biển liên quan đến việc phát sinh khiếu nại hàng hải;
+ Người thuê tàu trần, người thuê tàu định hạn hoặc người thuê tàu chuyến của tàu biển liên quan đến việc phát sinh khiếu nại hàng hải.
- Quy định tại khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 không áp dụng đối với khiếu nại hàng hải liên quan đến quyền sở hữu tàu biển.
Thời hạn bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải theo Điều 141 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 như sau:
- Thời hạn bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải tối đa là 30 ngày kể từ ngày tàu biển bị bắt giữ.
- Trong thời hạn tàu biển bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, nếu người yêu cầu bắt giữ tàu biển khởi kiện vụ án tại Tòa án hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp và tiếp tục có yêu cầu bắt giữ tàu biển, thì thời hạn bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải chấm dứt khi Tòa án có quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển.
Căn cứ thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải theo Điều 142 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 như sau:
- Tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải sẽ được thả ngay khi có một trong các căn cứ sau đây:
+ Sau khi chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu thực hiện những biện pháp bảo đảm thay thế hoặc thanh toán đủ khoản nợ;
+ Nghĩa vụ về tài sản của chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu đã có người khác bảo lãnh thực hiện thay hoặc có thư cam kết của tổ chức bảo hiểm có uy tín. Bộ Tài chính thông báo danh sách các tổ chức bảo hiểm có uy tín;
+ Theo yêu cầu của chính người đã yêu cầu bắt giữ tàu biển;
+ Quyết định bắt giữ tàu biển đã bị hủy;
+ Thời hạn bắt giữ tàu biển theo quyết định của Tòa án đã hết.
- Biện pháp bảo đảm thay thế do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp không có sự thỏa thuận giữa các bên về mức độ và hình thức bảo đảm thay thế thì Tòa án quyết định mức độ và hình thức bảo đảm thay thế nhưng không được vượt quá giá trị tàu biển bị bắt giữ hoặc nghĩa vụ tài sản là căn cứ cho việc bắt giữ tàu biển trong trường hợp nghĩa vụ tài sản nhỏ hơn giá trị của tàu biển.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |