Điều kiện bảo đảm an ninh mạng với thiết bị, phần cứng, phần mềm là thành phần hệ thống

Điều kiện bảo đảm an ninh mạng với thiết bị, phần cứng, phần mềm là thành phần hệ thống
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi điều bảo đảm an ninh mạng với thiết bị, phần cứng, phần mềm là thành phần hệ thống được quy định thế nào? - Xuân Ngọc (Tây Ninh)

Điều kiện bảo đảm an ninh mạng với thiết bị, phần cứng, phần mềm là thành phần hệ thống

Điều kiện bảo đảm an ninh mạng với thiết bị, phần cứng, phần mềm là thành phần hệ thống (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Điều kiện bảo đảm an ninh mạng với thiết bị, phần cứng, phần mềm là thành phần hệ thống

Điều kiện bảo đảm an ninh mạng với thiết bị, phần cứng, phần mềm là thành phần hệ thống theo Điều 10 Nghị định 53/2022/NĐ-CP như sau:

- Các thiết bị phần cứng là thành phần hệ thống phải được kiểm tra an ninh mạng để phát hiện điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, mã độc, thiết bị thu phát, phần cứng độc hại bảo đảm sự tương thích với các thành phần khác trong hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. 

Các thiết bị quản trị phải được cài đặt hệ điều hành, phần mềm sạch, có các lớp tường lửa bảo vệ. Hệ thống thông tin xử lý bí mật nhà nước không được kết nối với mạng Internet.

- Sản phẩm đã được lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin mạng cảnh báo, thông báo nguy cơ gây mất an ninh mạng không được đưa vào sử dụng hoặc phải có biện pháp xử lý, khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, mã độc, phần cứng độc hại trước khi đưa vào sử dụng.

- Dữ liệu, thông tin ở dạng số được xử lý, lưu trữ thông qua hệ thống thông tin thuộc bí mật nhà nước phải được mã hóa hoặc có biện pháp bảo vệ trong quá trình tạo lập, trao đổi, lưu trữ trên mạng Internet theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

- Thiết bị công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông, vật mang tin và các thiết bị phục vụ cho hoạt động của hệ thống thông tin phải được quản lý, tiêu hủy, sửa chữa theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, quy định công tác của chủ quản hệ thống thông tin.

- Phần mềm hệ thống, phần mềm tiện ích, phần mềm lớp giữa, cơ sở dữ liệu, chương trình ứng dụng, mã nguồn và công cụ phát triển định kỳ được rà soát và cập nhật các bản vá lỗi.

- Thiết bị di động và các thiết bị có tính năng lưu trữ thông tin khi kết nối vào hệ thống mạng nội bộ của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải được kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn và chỉ được phép sử dụng tại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

- Thiết bị, phương tiện lưu trữ thông tin khi kết nối, vận chuyển, lưu trữ phải:

+ Kiểm tra bảo mật trước khi kết nối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;

+ Kiểm soát việc đấu nối, gỡ bỏ đấu nối thiết bị thuộc hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;

+ Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn khi vận chuyển, lưu trữ và biện pháp bảo vệ đối với thông tin thuộc bí mật nhà nước được lưu trữ trong đó.

2. Trình tự, thủ tục giám sát an ninh mạng

Trình tự, thủ tục giám sát an ninh mạng theo Điều 15 Nghị định 53/2022/NĐ-CP như sau:

- Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thực hiện giám sát an ninh mạng đối với không gian mạng quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Trình tự giám sát an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng:

+ Gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu triển khai biện pháp giám sát an ninh mạng tới chủ quản hệ thống thông tin; trong văn bản nêu rõ lý do, thời gian, nội dung và phạm vi tiến hành giám sát an ninh mạng;

+ Triển khai biện pháp giám sát an ninh mạng;

+ Định kỳ thống kê, báo cáo kết quả giám sát an ninh mạng.

- Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia:

+ Xây dựng, triển khai hệ thống giám sát an ninh mạng, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện hoạt động giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin thuộc thẩm quyền quản lý;

+ Bố trí mặt bằng, điều kiện kỹ thuật, thiết lập, kết nối hệ thống, thiết bị giám sát của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng vào hệ thống thông tin do mình quản lý để phục vụ giám sát an ninh mạng;

+ Cung cấp và cập nhật thông tin về hệ thống thông tin thuộc thẩm quyền quản lý, phương án kỹ thuật triển khai hệ thống giám sát cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có thẩm quyền;

+ Thông báo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về hoạt động giám sát của chủ quản hệ thống thông tin định kỳ 03 tháng một lần;

+ Bảo mật các thông tin liên quan trong quá trình phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.

- Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, internet có trách nhiệm phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng trong giám sát an ninh mạng theo thẩm quyền nhằm bảo vệ an ninh mạng.

- Kết quả giám sát an ninh mạng được bảo mật theo quy định của pháp luật.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

870 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;