Đề xuất thắt chặt việc phổ biến phim trên không gian mạng

Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo.

 

Đề xuất thắt chặt việc phổ biến phim trên không gian mạng (Hình minh họa)

1. Phổ biến phim trên không gian mạng là gì ?

Tại khoản 9 Điều 4 của Luật Điện ảnh 2006 hiện hành quy định về vấn đề này như sau:

“Phổ biến phim là việc đưa phim đến công chúng thông qua chiếu phim, phát sóng trên truyền hình, đưa lên mạng Internet và phương tiện nghe nhìn khác”

Theo đó, hiểu đơn giản, phổ biến phim trên không gian mạng là việc trình chiếu phim thông qua hình thức đưa lên mạng Internet. Ví dụ như các trang web chiếu phim, Netflix, ứng dụng điện thoại Vieon,...

Về vấn đề này, Dự thảo Luật Điện ảnh chỉ ghi nhận lại chứ không bổ sung hay thay đổi về cách hiểu.

2. Điều kiện phổ biến phim trên không gian mạng

Quy định tại Điều 19 của Dự thảo Luật Điện ảnh như sau:

“1. Việc phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm các quy định sau đây: 

a) Không vi phạm quy định tại Điều 8 và điểm c khoản 2 Điều 13 Luật này; 

b) Phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại phổ biến phim theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

2. Doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.” 

Như vậy để được trình chiếu phim thông qua mạng Internet thì cơ sở điện ảnh phải đáp ứng những điều kiện như sau:

(1) Không vi phạm những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, đơn cử như:

- Hoạt động điện ảnh có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; kích động bạo lực, hành vi tội ác;…;

- Phổ biến phim mà không có Giấy phép phổ biến và phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình;

- Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim đã được cấp Giấy phép phổ biến và phân loại hoặc Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình;…

Đồng thời, phải bảo đảm phim phát hành có bản quyền hợp pháp và chịu trách nhiệm về nội dung phim phát hành.

(2) Phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại phổ biến phim theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại Điều 27 của Dự thảo Luật Điện ảnh việc phân loại phim theo lứa tuổi được quy định như sau:

Phân loại phim theo độ tuổi bao gồm: 

a) Loại P: Phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng khán giả; 

b) Loại PG: Phim cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim C13 với điều kiện đi cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; 

c) Loại C13: Phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13; 

d) Loại C16: Phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16; 

đ) Loại C18: Phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18; 

e) Loại C: Phim không phổ biến đến mọi đối tượng khán giả. 

(3) Riêng đối với Doanh nghiệp nước ngoài thì bắt buộc phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam để cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát hoạt động phổ biến phim.

 Đức Dũng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

477 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;