Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình gồm những gì?

Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình gồm những gì?
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi theo quy định của pháp luật về xây dựng thì danh mục hồ sơ hoàn thành công trình gồm những gì? - Tường Vy (Long An)

Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình gồm những gì?

Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình gồm những gì? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình gồm những gì?

Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình theo Phụ lục VIb ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP như sau:

* Hồ sơ chuẩn bị đầu tư xây dựng và hợp đồng:

- Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (nếu có).

- Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

- Nhiệm vụ thiết kế, các văn bản thẩm định, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan trong việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng và thiết kế cơ sở.

- Phương án đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng tái định cư (nếu có).

- Văn bản của các tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có) về: thỏa thuận quy hoạch, thỏa thuận hoặc chấp thuận sử dụng hoặc đấu nối với công trình kỹ thuật bên ngoài hàng rào; đánh giá tác động môi trường, đảm bảo an toàn (an toàn giao thông, an toàn cho các công trình lân cận) và các văn bản khác có liên quan.

- Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền hoặc hợp đồng thuê đất đối với trường hợp không được cấp đất.

- Giấy phép xây dựng, trừ những trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

- Quyết định chỉ định thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn các nhà thầu và hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư với các nhà thầu.

- Các tài liệu chứng minh điều kiện năng lực của các nhà thầu theo quy định.

- Các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng.

* hồ sơ khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình:

- Nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát, báo cáo khảo sát xây dựng công trình.

- Văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng.

- Kết quả thẩm tra, thẩm định thiết kế xây dựng; quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình kèm theo: hồ sơ thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt (có danh mục bản vẽ kèm theo); chỉ dẫn kỹ thuật.

- Văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu thiết kế xây dựng công trình.

- Các văn bản, tài liệu, hồ sơ khác có liên quan đến giai đoạn khảo sát, thiết kế xây dựng công trình.

* Hồ sơ quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình:

- Danh mục các thay đổi thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình và các văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

- Bản vẽ hoàn công (có danh mục bản vẽ kèm theo).

- Các kế hoạch, biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng thi công xây dựng công trình.

- Các chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhãn mác hàng hóa, tài liệu công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của cơ quan chuyên ngành; chứng nhận hợp chuẩn (nếu có) theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

- Các kết quả quan trắc (nếu có), đo đạc, thí nghiệm trong quá trình thi công.

- Các biên bản nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu bộ phận hoặc giai đoạn công trình (nếu có) trong quá trình thi công xây dựng.

- Các kết quả thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng công trình, thí nghiệm khả năng chịu lực kết cấu xây dựng (nếu có).

- Hồ sơ quản lý chất lượng của thiết bị lắp đặt vào công trình.

- Quy trình vận hành, khai thác công trình (nếu có); quy trình bảo trì công trình.

- Văn bản thỏa thuận, chấp thuận, xác nhận của các tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có) về:

+ Di dân vùng lòng hồ, khảo sát các di tích lịch sử, văn hóa;

+ An toàn phòng cháy, chữa cháy;

+ An toàn môi trường;

+ An toàn lao động, an toàn vận hành hệ thống thiết bị công trình, thiết bị công nghệ;

+ Thực hiện Giấy phép xây dựng (đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng);

+ Cho phép đấu nối với công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình khác có liên quan;

+ Văn bản của cơ quan chuyên môn về xây dựng, quản lý phát triển đô thị về việc hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan của dự án theo kế hoạch xây dựng nêu tại Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được thẩm định, phê duyệt;

+ Các văn bản khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Hồ sơ giải quyết sự cố công trình (nếu có).

- Phụ lục các tồn tại cần sửa chữa, khắc phục (nếu có) sau khi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng.

- Biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng.

- Văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP) (nếu có).

- Các hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định tại Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP) (nếu có).

- Các hồ sơ/văn bản/tài liệu khác có liên quan trong giai đoạn thi công xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng.

Ghi chú:

Khi gửi hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, chủ đầu tư chỉ gửi danh mục liệt kê các tài liệu nêu tại Phụ lục VIb ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP trừ các hồ sơ tài liệu quy định tại khoản 13, 14, 15 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP.

2. Trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng

Trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo Điều 26 Nghị định 06/2021/NĐ-CP như sau:

- Chủ đầu tư phải tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định tại Phụ lục VIb ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP trước khi đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào khai thác, vận hành.

- Hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng được lập một lần chung cho toàn bộ dự án đầu tư xây dựng công trình nếu các công trình (hạng mục công trình) thuộc dự án được đưa vào khai thác, sử dụng cùng một thời điểm. 

Trường hợp các công trình (hạng mục công trình) của dự án được đưa vào khai thác, sử dụng ở thời điểm khác nhau thì có thể lập hồ sơ hoàn thành công trình cho riêng từng công trình (hạng mục công trình) này.

- Chủ đầu tư tổ chức lập và lưu trữ một bộ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng; các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình lưu trữ các hồ sơ liên quan đến phần việc do mình thực hiện. 

Trường hợp không có bản gốc thì được thay thế bằng bản chính hoặc bản sao hợp pháp. Riêng công trình nhà ở và công trình di tích, việc lưu trữ hồ sơ còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về di sản văn hóa.

- Thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu là 10 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm A, 07 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm B và 05 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm C kể từ khi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng.

- Hồ sơ nộp Lưu trữ lịch sử của công trình thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1754 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;