Gần nhà tôi có cơ sở giết mổ rất mất vệ sinh, tôi thường xuyên thấy cơ sở giết mổ có hành vi đánh đập, ngược đãi động vật giết mổ thì cơ sở này có bị phạt? - Nguyễn Nam (Long An)
Cơ sở gết mổ có hành vi đánh đập, ngược đãi thú sắp giết mổ thì có bị phạt? (Hình từ internet)
Giết mổ động vật là việc thực hành giết chết các loại động vật nói chung, thường đề cập đến việc giết mổ gia súc và gia cầm, giết thịt để làm thức ăn.
Theo khoản 6, khoản 7 Điều 3 Luật Chăn nuôi 2018 thì gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi, gia cầm là các loài động vật có 02 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.
Căn cứ Khoản 1 Tiểu mục 4 Mục 1 QCVN 150: 2017/BNNPTNT ban hành kèm theo Thông tư 13/2017/TT-BNNVPTNT thì cơ sở giết mổ động vật tập trung: là cơ sở giết mổ động vật nằm trong quy hoạch được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
Bạo hành hay đánh đập, ngược đãi động vật là việc cố ý, có chủ ý gây ra đau khổ, đau đớn, thống khổ, thiếu đói hoặc tổn hại cho những cá thể động vật.
Theo Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định định xử phạt hành chính về chăn nuôi thì các vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ;
+ Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ;
+ Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp.
- Hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg;
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100 kg đến dưới 500 kg;
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500 kg đến dưới 1.000 kg;
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000 kg trở lên.
Bên canh đó, quy định tại Khoản 5 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP về hình thức xử phạt bổ sung sẽ bao gồm:
- Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi phá hoại hoạt động chăn nuôi được quy định tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP.
- Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, căn cứ Khoản 6 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả thì hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP sẽ buộc xử lý nhiệt đối với động vật, trường hợp tái phạm thì buộc tiêu hủy.
Nguyễn Phạm Nhựt Tân
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |