Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký hộ tịch?

Xin cho tôi hỏi thẩm quyền đăng ký hộ tịch được pháp luật nước ta quy định như thế nào? - Như Quỳnh (Khánh Hòa)

Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký hộ tịch?

Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký hộ tịch? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký hộ tịch?

Theo Điều 7 Luật Hộ tịch 2014 quy định thẩm quyền đăng ký hộ tịch như sau:

(1) Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau:

- Đăng ký sự kiện hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước bao gồm:

+ Khai sinh;

+ Kết hôn;

+ Giám hộ;

+ Nhận cha, mẹ, con;

+ Khai tử.

- Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung thông tin hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;

- Thực hiện các việc hộ tịch sau:

+ Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

++ Thay đổi quốc tịch;

++ Xác định cha, mẹ, con;

++ Xác định lại giới tính;

++ Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;

++ Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;

++ Công nhận giám hộ;

++ Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

+ Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.

- Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam;

Kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam; khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam.

(2) Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014:

- Đăng ký sự kiện hộ tịch có yếu tố nước ngoài bao gồm:

+ Khai sinh;

+ Kết hôn;

+ Giám hộ;

+ Nhận cha, mẹ, con;

+ Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;

+ Khai tử.

- Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc;

- Thực hiện các việc hộ tịch sau:

Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

(3) Cơ quan đại diện đăng ký các việc hộ tịch quy định tại Điều 3 Luật Hộ tịch 2014 cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài.

2. Lệ phí đăng ký hộ tịch

Cụ thể tại Điều 11 Luật Hộ tịch 2014 quy định về lệ phí đăng ký hộ tịch như sau:

- Miễn lệ phí đăng ký hộ tịch trong những trường hợp sau:

+ Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;

+ Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

- Cá nhân yêu cầu đăng ký sự kiện hộ tịch khác ngoài quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Hộ tịch 2014, yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch phải nộp lệ phí.

Bộ Tài chính quy định chi tiết thẩm quyền thu, mức thu, nộp, chế độ quản lý và sử dụng lệ phí hộ tịch.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong đăng ký hộ tịch

Căn cứ theo Điều 12 Luật Hộ tịch 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đăng ký hộ tịch bao gồm:

- Nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hành vi sau đây:

+ Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; làm hoặc sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ của người khác để đăng ký hộ tịch;

+ Đe dọa, cưỡng ép, cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch;

+ Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đăng ký hộ tịch;

+ Cam đoan, làm chứng sai sự thật để đăng ký hộ tịch;

+ Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ hộ tịch hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch;

+ Đưa hối lộ, mua chuộc, hứa hẹn lợi ích vật chất, tinh thần để được đăng ký hộ tịch;

+ Lợi dụng việc đăng ký hộ tịch hoặc trốn tránh nghĩa vụ đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước hoặc trục lợi dưới bất kỳ hình thức nào;

+ Người có thẩm quyền quyết định đăng ký hộ tịch thực hiện việc đăng ký hộ tịch cho bản thân hoặc người thân thích theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình;

+ Truy cập trái phép, trộm cắp, phá hoại thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

- Giấy tờ hộ tịch được cấp cho trường hợp đăng ký hộ tịch vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ, g và h khoản 1 Điều 12 Luật Hộ tịch 2014 đều không có giá trị và phải thu hồi, hủy bỏ.

- Cá nhân thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Hộ tịch 2014 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Hộ tịch 2014, ngoài bị xử lý như trên còn bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức.

Hồ Quốc Tuấn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

3032 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;