Hiện nay hoạt động thương mại quốc tế ghi nhận nhiều trường hợp mua bán hàng hóa là sản phẩm dễ hư hỏng và phải vận chuyển đến kho bảo quản sau khi đến cửa khẩu. Vậy có phải trong mọi trường hợp thì cơ quan hải quan được phép kiểm tra, khám xét kho bảo quản ? Về vấn đề này, Thư Ký Luật giải đáp như sau:
Hàng hóa được phép đưa về kho bảo quản
Tại khoản 1 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về trường hợp hàng hóa được đưa về kho bảo quản, cụ thể:
Hàng hóa của doanh nghiệp ưu tiên được đưa về bảo quản theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Thông tư của Bộ Tài chính về doanh nghiệp ưu tiên.
Theo đó hàng hóa của doanh nghiệp ưu tiên là đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành sẽ được đưa về kho bảo quản trong khi chờ kết quả kiểm tra tránh tình trạng tồn đọng và làm hư hại hàng hóa dễ hư hỏng.
Vào thời điểm hàng hóa được đưa về kho bảo quản sẽ phát sinh trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan đối việc kiểm tra, giám sát hoạt động bảo quản của người khai hải quan.
Các trường hợp kiểm tra kho bảo quản
Tại khoản 21 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC liệt kê ra 03 trường hợp mà chi cục hải quan có quyền kiểm tra kho bảo quản, nội dung được tóm tắt như sau:
(1) Hết thời hạn 30 ngày mà Chi cục Hải quan không nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành và cơ quan kiểm tra chuyên ngành không có văn bản đề nghị kéo dài thời gian kiểm tra.
(2) Có thông tin về việc bảo quản lô hàng không đúng quy định hoặc không được đưa về địa điểm bảo quản như đã đăng ký.
(3) Địa điểm bảo quản không có địa chỉ rõ ràng, không được ngăn cách với khu vực xung quanh đảm bảo việc bảo quản nguyên trạng hàng hóa. (điểm b khoản 3 Điều 33 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP).
Như vậy, Chi cục hải quan hoàn toàn có thẩm quyền kiểm tra kho bảo quản hàng hóa nhập khẩu của người khai hải quan nếu rơi vào các trường hợp nêu trên.
Trách nhiệm của người khai hải quan đối với việc kiểm tra kho bảo quản
Trước khi tiến hành kiểm tra, Chi cục Hải quan không có nghĩa vụ thông báo trước cho người khai hải quan mà có thể kiểm tra đột xuất. Người khai hải quan lúc này có nhiệm vụ phối hợp với Chi cục trong việc kiểm tra, cụ thể là:
Người khai hải quan có nghĩa vụ xuất trình hàng hóa đang bảo quản để cơ quan hải quan kiểm tra khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra tại địa điểm bảo quản (tiết a.2 khoản 5 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC).
Đức Dũng
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |