Cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam
Nguyễn Thị Diễm My

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam như thế nào? Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn gì? – Quỳnh Trâm (Đồng Nai)

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (Hình từ internet)

1.  Cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam

- Chủ tịch: Phó Thủ tướng Chính phủ.

- Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Các Phó Chủ tịch: Thứ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Các Ủy viên:

+ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

+ Thứ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Công an;

+ Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam kiêm Ủy viên Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam;

+ Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước;

+ Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường;

+ Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi;

+ Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai;

+ Đại diện lãnh đạo của Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố thuộc lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Sê San -Srêpốk gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đắc Lắk, Đắc Nông, Đồng Tháp, Gia Lai, Hậu Giang, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

- Các đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số tổ chức khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước với quy mô lớn hoặc có tác động lớn tới nguồn nước của lưu vực sông; các nhà khoa học; các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan được mời tham gia các cuộc họp của Ủy ban và các Tiểu ban khi cần thiết.

- Các Tiểu ban: Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long và Tiểu ban lưu vực sông Sê San - Srêpốk.

(Điều 3 Quyết định 619/QĐ-TTg năm 2020)

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam

(1) Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam:

- Chiến lược hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các hoạt động hợp tác, các chương trình, đề án, dự án về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực;

- Kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách (kể cả khung pháp lý quốc tế và khu vực) về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và môi trường trên lưu vực;

- Kiến nghị các giải pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả các chiến lược và quy hoạch (khu vực và quốc gia) về tài nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan trên lưu vực;

- Kiến nghị các giải pháp giải quyết tranh chấp, vướng mắc giữa các Bộ, ngành, địa phương và giữa Việt Nam với các quốc gia trong Lưu vực sông Mê Công trong phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên lưu vực;

- Kiến nghị các giải pháp ứng phó với các diễn biến bất thường, các tác động tiềm tàng tới Việt Nam do các hoạt động phát triển thượng nguồn và biến đổi khí hậu trên cơ sở giám sát và nghiên cứu trên lưu vực;

- Kiến nghị về hợp tác Mê Công trên cơ sở kết quả tham gia các Hội nghị của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

(2) Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, khu vực, trong nước và các cá nhân có liên quan trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam sau đây:

- Triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án theo thẩm quyền cho ý kiến bằng văn bản quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định này;

- Vận hành các công trình điều tiết, sử dụng nước quy mô lớn, bao gồm cả các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công;

- Điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ lụt; duy trì dòng chảy tối thiểu;

- Giám sát, ứng phó, khắc phục tác hại và sự cố ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả thải vào nguồn nước gây ra; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước;

- Các dự án gia cố cải tạo lòng, bờ sông; khai thác khoáng sản khác trên sông, suối, hồ chứa; xây dựng các công trình thủy và các dự án, công trình khác trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên lưu vực sông;

- Cải tạo, khôi phục nguồn nước, bảo tồn các hệ sinh thái, cải thiện chất lượng nước, các khu đất ngập nước…;

- Cung cấp thông tin về diễn biến tài nguyên nước, các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và tài nguyên liên quan cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước;

- Bảo vệ, phục hồi và phát huy các giá trị di sản văn hóa liên quan đến tài nguyên nước, như du lịch, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí ...

(3) Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan:

- Thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công và các quy chế, thủ tục liên quan;

- Thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh; quy hoạch môi trường và chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk;

- Thực hiện các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San- Srêpốk.

(4) Phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan trình Thủ tướng Chính phủ các chương trình, đề án, dự án, hoạt động về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk.

(5) Có ý kiến bằng văn bản, trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, đối với các quy hoạch tài nguyên nước tới cấp tỉnh, thành phố; quy hoạch chuyên ngành của các Bộ, ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước (thủy lợi, thủy điện, cấp nước, giao thông đường thủy nội địa, thủy sản…) trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk.

(6) Có ý kiến bằng văn bản, trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, đối với các chương trình, đề án, dự án, hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San-Srêpốk.

(7) Là đầu mối hợp tác với các quốc gia trong lưu vực Mê Công, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế để cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công.

(8) Tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thượng nguồn tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam thuộc Lưu vực sông Mê Công trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong lưu vực sông Mê Công có tác động xuyên biên giới.

(9) Theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên nước, các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công nhằm đảm bảo sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước sông Mê Công, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam thông qua quy hoạch tổng thể, các dự án hợp tác và nghiên cứu khoa học công nghệ cho lưu vực Mê Công, đặc biệt là các dự án trên dòng chính.

(10) Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk, phục vụ công tác chỉ đạo, điều phối, giám sát của Ủy ban.

(11) Tổ chức tuyên truyền về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công.

(12) Huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk.

(13) Thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ giao, phân công.

(Điều 2 Quyết định 619/QĐ-TTg năm 2020)

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

828 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;