Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính

Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
Nguyễn Thị Diễm My

Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm những tổ chức nào? Trong lĩnh vực giá thì Bộ Tài chính có nhiệm vụ và quyền hạn gì? – Quỳnh Anh (Thái Bình)

Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính

Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính (Hình từ internet)

1. Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính

Các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, gồm:

- Vụ Ngân sách nhà nước.

- Vụ Đầu tư.

- Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt (Vụ I).

- Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp.

- Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính.

- Vụ Hợp tác quốc tế.

- Vụ Pháp chế.

- Vụ Tổ chức cán bộ.

- Thanh tra.

- Văn phòng.

- Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.

- Cục Quản lý công sản.

- Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại.

- Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

- Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.

- Cục Quản lý giá.

- Cục Tin học và Thống kê tài chính.

- Cục Tài chính doanh nghiệp.

- Cục Kế hoạch - Tài chính.

- Tổng cục Thuế.

- Tổng cục Hải quan.

- Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

- Kho bạc Nhà nước.

- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

* Các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc bộ:

- Viện Chiến lược và chính sách tài chính.

- Thời báo Tài chính Việt Nam.

- Tạp chí Tài chính.

- Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.

Vụ Ngân sách nhà nước có 4 phòng, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp có 4 phòng, Vụ Đầu tư có 4 phòng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có 4 phòng, Vụ Pháp chế có 5 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 7 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế có 4 phòng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và danh sách các đơn vị sự nghiệp khác thuộc bộ.

(Điều 3 Nghị định 14/2023/NĐ-CP)

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tài chính trong lĩnh vực giá

Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tài chính trong lĩnh vực giá như sau:

- Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện định hướng điều hành giá hàng năm, 05 năm và 10 năm; chiến lược và kế hoạch phát triển nghề thẩm định giá ở Việt Nam;

- Xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy định về phân cấp quản lý giá, cơ chế quản lý giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức sản xuất, kinh doanh lập phương án giá và làm cơ sở thẩm định các phương án giá, kiểm tra các yếu tố hình thành giá; phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn phương pháp định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành;

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; danh mục mặt hàng được lập quỹ bình ổn giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá;

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật;

- Thẩm định phương án giá do các bộ, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định; theo dõi, giám sát, phối hợp trong việc định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của các bộ, ngành; kiểm tra, thẩm định giá đất theo quy định của pháp luật về giá; chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chính sách, biện pháp về giá và các quyết định về giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc phê duyệt;

- Quyết định theo thẩm quyền giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá; hướng dẫn việc quyết định mức giá cụ thể hàng hóa, dịch vụ sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá theo quy định của pháp luật;

- Hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệp thương giá. Tổ chức hiệp thương giá theo quy định của pháp luật;

- Trình cấp có thẩm quyền quy định tiêu chuẩn thẩm định viên về giá;

- Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đình chỉ việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thẩm định giá theo quy định của pháp luật;

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá, kê khai giá; hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ đăng ký giá, kê khai giá thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện;

- Hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, thẩm định giá;

- Thẩm định giá tài sản của Nhà nước theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(Khoản 17 Điều 2 Nghị định 14/2023/NĐ-CP)

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

506 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;