TPP - Chương 01 - Quy định và định nghĩa chung

Chương 01 Hiệp định TPP về các quy định và định nghĩa chung trong khuôn khổ Hiệp định TPP.

CHƯƠNG 1
QUY ĐỊNH VÀ ĐỊNH NGHĨA CHUNG 


Phần A: Quy định chung


Điều 1.1: Thành lập một khu vực thương mại tự do
Các Bên tham gia Hiệp định này thiết lập một khu vực thương mại tự do phù hợp với các quy định của Hiệp định này theo Điều XXIV của GATT 1994 và Điều V của GATS.


Điều 1.2: Mối liên hệ với các Hiệp định khác
1.         Với ý muốn của các Bên để Hiệp định này cùng tồn tại với các hiệp định quốc tế hiện có của mình, mỗi Bên khẳng định,
(a) liên quan đến các hiệp định quốc tế hiện hữu mà tất cả các Bên đều là thành viên, bao gồm Hiệp định WTO, các quyền và nghĩa vụ hiện hữu của mình đối với nhau; và
 (b) liên quan đến các hiệp định quốc tế hiện hữu mà Bên đó và ít nhất một Bên khác là thành viên, bao gồm Hiệp định WTO, các quyền và nghĩa vụ hiện hữu của mình đối với Bên đó hoặc các Bên khác tùy trường hợp.
2.         Nếu một Bên tin rằng một điều khoản của Hiệp định này là không phù hợp với một điều khoản trong thỏa thuận khác mà Bên đó và ít nhất một Bên khác là thành viên, theo yêu cầu, các Bên có liên quan đến thỏa thuận khác đó sẽ trao đổi nhằm đạt được giải pháp thoả đáng. Khoản này không làm phương hại đến quyền và nghĩa vụ của một Bên trong Chương 28 (Giải quyết tranh chấp).1

Mục B: Định nghĩa chung


Điều 1.3: Định nghĩa chung
Trong Hiệp định này, nếu không có quy định gì khác, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Hiệp định AD là Hiệp định về Thực hiện Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994, trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;
Hiệp định là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương;
APEC là Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương;
Cấp trung ương của mỗi Bên được định nghĩa tại Phụ lục 1-A (Định nghĩa cụ thể của từng Bên) 
Ủy ban TPP là Ủy ban Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được thành lập theo Điều 27.1 (Thành lập Ủy ban Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương);
Khoản đầu tư được điều chỉnh đối với một Bên là một khoản đầu tư trong lãnh thổ của Bên đó từ một nhà đầu tư của một Bên khác được thực hiện kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này, hoặc được lập, đạt được, hoặc mở rộng sau đó;
cơ quan hải quan là cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm, theo luật pháp của từng Bên, thi hành pháp luật về hải quan, các quy định và chính sách (nếu có), và được mỗi Bên định nghĩa cụ thể tại Phụ lục 1-A (Định nghĩa cụ thể của từng Bên)
thuế hải quan bao gồm bất kỳ khoản thuế hoặc phí nào đánh vào hoặc có liên quan đến việc nhập khẩu một mặt hàng, và bất kỳ khoản thuế phụ hay phụ phí liên quan đến việc nhập khẩu đó, nhưng không bao gồm khoản nào sau đây:
(a) một khoản phí tương tự với thuế nội địa áp đặt theo Điều III:2 của GATT 1994;
(b) phí hoặc lệ phí khác liên quan đến việc nhập khẩu tương ứng với chi phí của các dịch vụ được cung cấp; và
(c) thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp.
Hiệp định trị giá hải quan là Hiệp định về Thực hiện Điều VII của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994, trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;
Ngày nghĩa là ngày dương lịch;
Doanh nghiệp là một pháp nhân bất kỳ được lập hoặc tổ chức theo luật hiện hành, hoạt động vì lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận, và do chính phủ hay tư nhân sở hữu hoặc kiểm soát, bao gồm bất kỳ tập đoàn, quỹ, công ty hợp danh, công ty tư nhân, liên doanh, liên kết, hoặc tổ chức tương tự;
hiện hành nghĩa là có hiệu lực vào thời điểm có hiệu lực của Hiệp định này 
GATS là Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ, trong Phụ lục 1B của Hiệp định WTO;
GATT 1994 là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994, trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;
hàng hóa của một Bên là sản phẩm trong nước theo định nghĩa tại GATT 1994 hoặc hàng hóa do các Bên thoả thuận, và bao gồm hàng hóa có xuất xứ của một Bên;
mua sắm chính phủ là quá trình mà từ đó một chính phủ có được quyền sử dụng hoặc sở hữu hàng hóa hoặc dịch vụ, hoặc cả hai, cho các mục đích chính phủ và không nhằm mục đích thương mại hoặc bán lại hoặc sử dụng trong sản xuất hoặc cung cấp hàng hoá, dịch vụ mang tính thương mại hoặc để bán lại;
Hệ thống hài hoà (HS) là Mô tả Hàng hóa Hài hòa và hệ thống mã hóa, bao gồm cả các Quy định và định  nghĩa chung, chú giải mục, chú giải chương, và chú giải phân nhóm được các Bên thông qua và thực hiện trong các luật tương ứng của mình;
nhóm là bốn chữ số đầu tiên trong số phân loại thuế quan theo Hệ thống hài hoà;
biện pháp là một luật, quy định, thủ tục, yêu cầu, hoặc hành động bất kỳ;
công dân là một thể nhân có quốc tịch của một Bên theo Phụ lục 1-A (Định nghĩa cụ thể của từng Bên) hoặc cá nhân thường trú của một Bên;
có xuất xứ nghĩa là hội đủ điều kiện theo quy tắc xuất xứ nêu tại Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ) hoặc Chương 4 (Dệt may);
Bên là một nhà nước hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt mà Hiệp định điều chỉnh;
người có nghĩa là một cá nhân hoặc một doanh nghiệp;
người của một Bên là một công dân hoặc một doanh nghiệp của một Bên;
ưu đãi thuế quan là mức thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ, theo Biểu thuế cắt giảm của mỗi Bên quy định trong Phụ lục 2-D (Cắt giảm thuế quan);
nguyên liệu được thu hồi là một loại vật liệu dưới dạng một hoặc nhiều bộ phận riêng biệt là kết quả của:
(a) việc tháo rời một hàng hóa đã sử dụng thành những phần riêng biệt; và
(b) quá trình làm sạch, kiểm định, kiểm tra hoặc xử lý khác của những bộ phận cần thiết để cải thiện điều kiện làm việc ổn định;
hàng tái sản xuất là hàng hóa thuộc Hệ thống hài hòa (HS) từ Chương 84 đến 90 hoặc thuộc nhóm 94.02, trừ hàng hoá thuộc các nhóm HS 84,18, 85.09, 85.10, và 85.16, 87.03 hoặc 8414.51, 8450.11, 8450.12, 8508.11, và 8517.11, toàn bộ hoặc một phần trong đó là nguyên liệu được thu hồi và:
(a) có tuổi thọ tương tự và công dụng giống hoặc tương tự với hàng hóa mới cùng loại; và
(b) được nhà sản xuất bảo hành tương tự như hàng hóa mới cùng loại;
Chính quyền cấp khu vực của mỗi Bên được định nghĩa tại Phụ lục 1-A (Định nghĩa cụ thể của từng Bên): [chỗ này bỏ in đậm từ “của ...”]
Hiệp định tự vệ là Hiệp định về Tự vệ trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;
biện pháp vệ sinh dịch tễ là một biện pháp bất kỳ nêu tại khoản 1 Phụ lục A của Hiệp định SPS;
Hiệp định SCM là Hiệp định về Trợ cấp và Các Biện Pháp Chống Trợ Cấp trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;
DNVVN là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, trong đó có một doanh nghiệp siêu nhỏ; 
Hiệp định SPS là Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;
doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do một Bên sở hữu hoặc kiểm soát thông qua các lợi ích sở hữu;
Phân nhóm là sáu chữ số đầu tiên trong mã số phân loại thuế quan theo Hệ thống hài hoà;
lãnh thổ của mỗi Bên được định nghĩa tại Phụ lục 1-A (Định nghĩa cụ thể của từng Bên) 
hàng dệt may là hàng hóa được liệt kê trong Phụ lục 4-A (Sản phẩm dệt may - Quy định cụ thể về xuất xứ);
Hiệp định TRIPS là Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ trong Phụ lục 1C của Hiệp định WTO;2
WTO là Tổ chức Thương mại Thế giới;
Hiệp định WTO là Hiệp định Marrakesh về thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới ký kết ngày 15 tháng 4 năm 1994.

Phụ lục 1-A
Định nghĩa cụ thể của mỗi Bên


Theo quy định tại Điều 1.3, trừ trường hợp có quy định khác, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
cấp trung ương là:
(a) đối với Úc, là chính phủ Khối thịnh vượng chung;
(b) đối với Brunei Darussalam, là chính phủ cấp quốc gia; 
(c) đối với Canada, là Chính phủ Canada;
(d) đối với Chile, là chính phủ cấp quốc gia; 
(e) đối với Nhật Bản, là Chính phủ Nhật Bản;
(f) đối với Malaysia, là chính phủ liên bang; 
(g) đối với Mexico, là chính phủ liên bang;
(h) đối với New Zealand, là chính phủ cấp quốc gia; 
(i) đối với Peru, là chính phủ cấp quốc gia;
(j) đối với Singapore, là chính phủ cấp quốc gia;
(k) đối với Mỹ, là chính phủ liên bang; và
(l) đối với Việt Nam, là chính phủ cấp quốc gia;
cơ quan hải quan là:
(a) đối với Úc, là Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Úc;
(b) đối với Brunei Darussalam, là Cục Hải quan và Thuế quan Hoàng gia;
(c) đối với Canada, là Cơ quan biên giới Canada; 
(d) đối với Chile, là các Cơ quan Hải quan Quốc gia Chile;
(e) đối với Nhật Bản, là Bộ Tài chính;
(f)    đối với Malaysia. Là Cục Hải Quan Hoàng gia Malaysia 
g) đối với Mexico, là Bộ Tài chính và Tín Dụng Công; 
(h) đối với New Zealand, là Cơ quan Hải quan New Zealand;
(i) đối với Peru, Cơ quan Quản lý hải quan và thuế Quốc gia;
(j) đối với Singapore, là Cơ quan Hải quan Singapore;
(k) đối với Mỹ, là Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ; và Cơ quan xuất nhập cảnh và hải quan Mỹ đối với quy định liên quan đến việc thực thi, chia sẻ thông tin và điều tra; và
(l) đối với Việt Nam, là Tổng cục Hải quan Việt Nam;  
hoặc cơ quan kế nhiệm của các cơ quan hải quan này.
thể nhân có quốc tịch của một Bên là:
(a) Đối với Úc , là một thể nhân là công dân Úc như được định nghĩa trong Luật Quốc tịch Úc năm 2007 đã được sửa đổi hoặc quy định pháp luật kế thừa;
(b) Đối với Brunei Darussalam, là một đối tượng của Sultan (Vua) và Yang Di-Pertuan phù hợp với pháp luật của Brunei Darussalam;
(c) Đối với Canada, là một thể nhân là công dân của Canada theo pháp luật của Canada;
(d) Đối với Chile, là một người Chile theo định nghĩa tại Điều 10 của Hiến pháp nước Cộng hòa Chile;
(e) Đối với Nhật Bản, là một thể nhân có quốc tịch của Nhật Bản theo pháp luật Nhật Bản;
(f) Đối với Malaysia, là một thể nhân là công dân của Malaysia theo luật pháp và các quy định của Malaysia;
(g) Đối với Mexico, là một người có quốc tịch Mexico theo pháp luật của Mexico;
(h) Đối với New Zealand, là một thể nhân là công dân theo định nghĩa tại Luật Quốc tịch năm 1977 đã được sửa đổi hoặc quy định pháp luật kế thừa;
(i) Đối với Peru, là một thể nhân có quốc tịch Peru do sinh ra tại Peru, do gia nhập quốc tịch, hoặc tùy chọn theo Hiến pháp Peru (Constitución politica del Peru) và pháp luật trong nước khác có liên quan;
(j) Đối với Singapore, là một công dân bất kỳ của Singapore theo định nghĩa tại Hiến pháp và pháp luật của Singapore;
(k) Đối với Mỹ với, là "công dân Mỹ" theo định nghĩa tại Luật Nhập cư và Quốc tịch; và
(l) Đối với Việt Nam, là một người bất kỳ là công dân Việt Nam theo định nghĩa tại Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam;
chính quyền cấp khu vực là:
(a) đối với Úc, là một tiểu bang của Úc, lãnh thổ thủ đô Úc, hoặc Lãnh thổ phía Bắc; 
(b) khái niệm chính quyền cấp khu vực không áp dụng đối với Brunei Darussalam; 
(c) đối với Canada, là chính quyền cấp tỉnh hoặc lãnh thổ của Canada;
 (d) khái niệm chính quyền cấp khu vực không áp dụng đối với Chile, vốn là một nước cộng hòa đơn nhất;
(e) khái niệm chính quyền cấp khu vực không áp dụng đối với Nhật Bản;
(f) đối với Malaysia, là một Bang của Liên bang Malaysia theo Hiến pháp Liên bang Malaysia;
(g) đối với Mexico, là một bang của Liên Bang Mexico;
(h) khái niệm chính quyền cấp khu vực không áp dụng đối với New Zealand;
(i) đối với Peru, là chính quyền khu vực phù hợp với Hiến pháp chính trị của Peru (Constitución politica del Perú) và pháp luật hiện hành khác;
 (j) khái niệm chính quyền cấp khu vực không áp dụng đối với Singapore;
(k) đối với Mỹ, có nghĩa là một bang của Mỹ, Quận Columbia, hoặc Puerto Rico; và
(l) khái niệm chính quyền cấp khu vực không áp dụng đối với Việt Nam;
Lãnh thổ là:
(a) Đối với Úc, là phần lãnh thổ:
(i) không bao gồm tất cả các vùng lãnh thổ bên ngoài khác ngoài các Lãnh thổ của đảo Norfolk, Lãnh thổ của đảo Giáng sinh, Lãnh thổ của quần đảo Cocos (Keeling, Lãnh thổ của quần đảo Ashmore và Cartier, Lãnh thổ của Đảo Heard và quần đảo McDonald, và Lãnh thổ quần đảo Coral Sea; và
(ii) bao gồm lãnh hải của Úc, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hơn Úc thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế;
(b) Đối với Brunei Darussalam, là phần lãnh thổ của Brunei Darussalam kể cả lãnh hải, mở rộng đến vùng trời trên lãnh thổ mà Brunei Darussalam thực hiện chủ quyền, và các khu vực hàng hải ngoài lãnh hải của mình, bao gồm đáy biển và lòng đất mà đã hoặc sau này có thể được chỉ định theo pháp luật của Brunei Darussalam là một khu vực mà nước này thực hiện các quyền và quyền tài phán theo luật pháp quốc tế;
(c) Đối với Canada, là: 
(i) các lãnh thổ đất liền, vùng trời, vùng nội thủy và lãnh hải của Canada;  
(ii) các vùng đặc quyền kinh tế của Canada, được xác định bởi luật pháp Canada, phù hợp với Phần V của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển tại Montego Bay ngày 10 Tháng 12 năm 1982 (UNCLOS); và
(iii) các thềm lục địa của Canada, được xác định bởi luật pháp Canada, phù hợp với Phần VI của UNCLOS;
(d) Đối với Chile, là đất, biển, và vùng trời thuộc chủ quyền của Chile, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Chile thực hiện các quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp Chile;
(e) Đối với Nhật Bản, là phần lãnh thổ của Nhật Bản và tất cả các khu vực bên ngoài lãnh hải của mình, bao gồm cả đáy biển và lòng đất mà Nhật Bản thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các luật và quy định pháp luật của Nhật Bản;
(f) Đối với Malaysia, là phần đất, lãnh thổ, vùng nội thuỷ và lãnh hải, cũng như bất kỳ vùng biển nào nằm ngoài lãnh hải đã hoặc có thể sẽ được chỉ định là một khu vực trong đó Malaysia thực hiện các quyền chủ quyền và quyền tài phán liên quan đến biển, đáy biển, lòng đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo pháp luật Malaysia và luật pháp quốc tế;
(g) Đối với Mexico, là
(i) Các Bang và Quận của Liên Bang Mexico
(ii) các đảo, bao gồm các rạn san hô ở các vùng biển lân cận;
(iii) các đảo Guadalupe và Revillagigedo ở Thái Bình Dương;  
(iv) các thềm lục địa và thềm ​​ngầm các đảo và các rạn san hô này; 
(v) các vùng biển của lãnh hải phù hợp với luật pháp quốc tế và vùng biển nội thủy của Mexico;
(vi) vùng trời nằm trên lãnh thổ quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế; và
(vii) bất kỳ khu vực vượt ra ngoài lãnh hải của Mexico trong đó Mexico thực hiện các quyền liên quan đến đáy biển và lớp đất đáy và tài nguyên thiên nhiên phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (có thể được sửa đổi) và pháp luật của nước mình;
(h) Đối với New Zealand, là lãnh thổ của New Zealand và vùng đặc quyền kinh tế, thềm biển và lòng đất mà New Zealand thực hiện quyền chủ quyền đối với tài nguyên theo quy định của pháp luật quốc tế, nhưng không bao gồm Tokelau;
(i) Đối với Peru, là phần lãnh thổ đất liền, các hải đảo, vùng biển, và vùng trời phía trên đó thuộc chủ quyền hoặc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Peru, phù hợp với các quy định của Hiến pháp chính trị của Peru (Constitución politica del Perú) và luật pháp trong nước và quốc tế có liên quan;
(j) Đối với Singapore, là phần lãnh thổ đất liền, nội thuỷ và lãnh hải, cũng như bất kỳ vùng biển nào nằm ngoài lãnh hải đã hoặc có thể trong tương lai được chỉ định là khu vực mà trong đó Singapore thực hiện các quyền chủ quyền và quyền tài phán liên quan đến biển, đáy biển, lòng đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo luật pháp của Singapore  và luật pháp quốc tế;
(k) Đối với Mỹ, là 
(i) lãnh thổ hải quan của Mỹ, trong đó bao gồm 50 tiểu bang, Quận Columbia, và Puerto Rico;
(ii) các khu thương mại nước ngoài đặt tại Mỹ và Puerto Rico; và
(iii) bất kỳ khu vực nào bên ngoài lãnh hải của Mỹ trong đó Mỹ thực hiện các quyền chủ quyền đối với đáy biển và lòng đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp của Mỹ; và
(l) Đối với Việt Nam, là phần lãnh thổ đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng trời phía trên đó, các vùng biển bên ngoài lãnh hải bao gồm đáy biển, lòng đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó mà Việt Nam thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán của mình phù hợp với luật pháp Việt Nam và quốc tế.

Chú thích:

1 Trong Hiệp định này, các Bên đồng ý rằng nếu có một thỏa thuận đem lại nguyên tắc đối xử thuận lợi hơn đối với hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hoặc con người so với nguyên tắc đối xử của Hiệp định này cũng không có nghĩa là có sự mâu thuẫn trong ý nghĩa của khoản 2.

2 Nhằm giải thích rõ hơn, "Hiệp định TRIPS" bao gồm các trường hợp bãi bỏ hiệu lực giữa các Bên về các điều khoản của Hiệp định TRIPS do các Thành viên WTO quyết định theo với Hiệp định WTO.

MỤC LỤC 

TPP - Chương 00 - Lời mở đầu

TPP - Chương 01 - Quy định và định nghĩa chung

TPP - Chương 02 - Nguyên tắc đối xử quốc gia và việc tiếp cận thị trường hàng hóa

TPP - Chương 03 - Quy tắc xuất xứ và thủ tục về xuất xứ

TPP - Chương 04 - Hàng dệt may

TPP - Chương 05 - Quản lý hải quan và tạo thuận lợi trong thương mại

TPP - Chương 06 - Biện pháp phòng vệ Thương mại

TPP - Chương 07 - Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch

TPP - Chương 08 - Rào cản kỹ thuật đối với thương mại

TPP - Chương 09 - Đầu tư

TPP - Chương 10 - Thương mại dịch vụ xuyên biên giới

TPP - Chương 11 - Dịch vụ tài chính

TPP - Chương 12 - Nhập cảnh tạm thời đối với doanh nhân

TPP - Chương 13 - Viễn thông

TPP - Chương 14 - Thương mại điện tử

TPP - Chương 15 - Mua sắm Chính phủ

TPP - Chương 16 - Chính sách cạnh tranh

TPP - Chương 17 - Các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị độc quyền

TPP - Chương 18 - Sở hữu trí tuệ

TPP - Chương 19 - Lao động

TPP - Chương 20 - Môi trường

TPP - Chương 21 - Hợp tác và nâng cao năng lực

TPP - Chương 22 - Năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi trong kinh doanh

TPP - Chương 23 - Phát triển

TPP - Chương 24 - Doanh nghiệp vừa và nhỏ

TPP - Chương 25 - Đồng nhất trong sự quản lý

TPP - Chương 26 - Sự minh bạch và chống tham nhũng

TPP - Chương 27 - Quy định hành chính và thể chế

TPP - Chương 28 - Giải quyết tranh chấp

TPP - Chương 29 - Trường hợp ngoại lệ và quy định chung

TPP - Chương 30 - Điều khoản thi hành

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1155 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;