Tôi muốn biết chính sách đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh được quy định như thế nào? - Thảo Trang (Đồng Nai)
Chính sách đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 25/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2023/NĐ-CP về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.
Theo Điều 4 Nghị định 16/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.
- Được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp hoặc thông qua cơ quan chức năng, đơn vị đầu mối thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh;
Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thường xuyên hoặc đột xuất;
Thực hiện các dự án đầu tư có liên quan đến bí mật quốc phòng, nhiệm vụ quan trọng của quốc phòng, dự án đầu tư trên các địa bàn có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
Chính sách đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh được quy định như sau:
- Được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất được giao quản lý, sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định pháp luật về đất đai, thuế và pháp luật có liên quan.
- Được Nhà nước bố trí ngân sách và nguồn lực khác để đảm bảo khoản chi theo định mức quy định gồm:
+ Chi quân trang hằng năm, chi xuất ngũ, phục viên, thôi việc theo chế độ hiện hành cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu;
+ Các khoản chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu theo chế độ hiện hành cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu.
Doanh nghiệp thực hiện tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn đối với các khoản chi phí hoạt động của doanh nghiệp, các khoản chi phục vụ quân sự quốc phòng, an ninh, quan hệ quân dân theo kế hoạch, nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp hoặc thông qua cơ quan chuyên môn, đơn vị đầu mối trực thuộc giao nhiệm vụ.
(Khoản 1, 2 Điều 8 Nghị định 16/2023/NĐ-CP)
Theo khoản 3, 4 Điều 8 Nghị định 16/2023/NĐ-CP, chính sách đối với người lao động tại doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh được quy định như sau:
- Tiền lương của lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu:
Được tính phù hợp với quy định về chế độ, chính sách của pháp luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và căn cứ vào năng suất lao động và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.
- Khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, người lao động nếu bị thương hoặc bị chết mà đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì:
Được xem xét, xác nhận là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật ưu đãi về người có công với cách mạng; người lao động bị tai nạn lao động thì xét hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Nghị định 16/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2023.
Nguyễn Thị Hoài Thương
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |