Cho tôi hỏi chế độ tiền lương đối với công nhân công an được quy định như thế nào? - Thúy Phượng (Đồng Nai)
Chế độ tiền lương đối với công nhân công an (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Chế độ tiền lương đối với công nhân công an theo Điều 9 Nghị định 49/2019/NĐ-CP như sau:
- Bảng lương đối với công nhân công an quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 49/2019/NĐ-CP.
Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức danh công việc đối với từng nhóm, ngạch lương.
- Nâng bậc lương, nâng ngạch đối với công nhân công an:
+ Công nhân công an hoàn thành công việc được giao, đạt tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật quy định và chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương đối với người có hệ số lương từ 3,95 trở xuống và sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương đối với người có hệ số lương trên 3,95.
Trong thời hạn xét nâng bậc lương, nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật hình thức khiển trách thì kéo dài thời hạn nâng bậc lương 06 tháng; nếu bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì kéo dài thời hạn nâng bậc lương 12 tháng.
Trường hợp lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nâng bậc lương trước thời hạn tối đa 12 tháng hoặc vượt bậc;
+ Công nhân công an hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, có năng lực đảm nhận vị trí công việc cao hơn trong cùng ngành, nghề chuyên môn kỹ thuật, có văn bằng phù hợp thì được xét nâng ngạch.
- Chuyển xếp lương vào Bảng lương công nhân công an:
+ Khi chuyển xếp lương không được kết hợp nâng bậc lương hoặc nâng ngạch lương;
+ Việc chuyển xếp lương từ hệ số lương đang hưởng vào hệ số lương quy định tại Bảng lương công nhân công an ban hành tại Phụ lục kèm theo Nghị định 49/2019/NĐ-CP được căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội (nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đứt quãng chưa hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), phù hợp với vị trí việc làm và quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 49/2019/NĐ-CP.
Trường hợp có hệ số lương mới được xếp cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung thấp hơn hệ số lương đang hưởng cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung và phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương, phụ cấp thâm niên vượt khung và phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh đang hưởng. Hệ số chênh lệch bảo lưu giảm dần khi được nâng bậc lương.
- Công nhân công an được hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp bao gồm:
+ Phụ cấp thâm niên vượt khung;
+ Phụ cấp khu vực;
+ Phụ cấp đặc biệt;
+ Phụ cấp độc hại, nguy hiểm;
+ Phụ cấp trách nhiệm công việc;
Điều kiện, thời gian và mức hưởng của các loại phụ cấp tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 4 Điều 9 Nghị định 49/2019/NĐ-CP được thực hiện như quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
+ Phụ cấp công vụ:
++ Áp dụng đối với công nhân công an hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
++Điều kiện, thời gian và mức hưởng phụ cấp công vụ được thực hiện như quy định tại Nghị định 34/2012/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công vụ.
+ Phụ cấp, trợ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:
Điều kiện, thời gian và mức hưởng được thực hiện như quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Nguồn kinh phí thực hiện:
+ Đối với đơn vị dự toán do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
+ Đối với các doanh nghiệp được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
- Công nhân công an áp dụng bảng lương quy định tại Nghị định 49/2019/NĐ-CP không được hưởng phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại điểm đ khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Chế độ phụ cấp thâm niên đối với công nhân công an theo Điều 10 Nghị định 49/2019/NĐ-CP như sau:
- Mức phụ cấp:
Công nhân công an có thời gian phục vụ trong Công an nhân dân đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (12 tháng) được tính thêm 1%.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Thời gian tính hưởng phụ cấp:
+ Thời gian phục vụ trong Công an nhân dân;
+ Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 49/2019/NĐ-CP để tính hưởng phụ cấp thâm niên.
- Thời gian không tính hưởng phụ cấp:
+ Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;.
+ Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
+ Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam, sau đó bị kỷ luật buộc thôi việc.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |