Tôi muốn hỏi trong trường hợp nào thì Chấp hành viên sẽ tiến hành cưỡng chế khai thác tài sản để thi hành án? – Minh Đức (Bình Định)
Chấp hành viên cưỡng chế khai thác tài sản để thi hành án trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 107 Luật Thi hành án dân sự 2008, Chấp hành viên cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án trong các trường hợp sau đây:
- Tài sản của người phải thi hành án có giá trị quá lớn so với nghĩa vụ phải thi hành và tài sản đó có thể khai thác để thi hành án;
- Người được thi hành án đồng ý cưỡng chế khai thác tài sản để thi hành án nếu việc khai thác tài sản không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Lưu ý:
Chấp hành viên phải ra quyết định cưỡng chế khai thác tài sản. Quyết định ghi rõ hình thức khai thác; số tiền, thời hạn, thời điểm, địa điểm, phương thức nộp tiền cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.
Quyết định cưỡng chế khai thác tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, đăng ký đối với tài sản đó và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản.
Việc thực hiện giao dịch, chuyển giao quyền sở hữu tài sản đối với tài sản đang khai thác phải được sự đồng ý của Chấp hành viên.
(Khoản 2 Điều 107 Luật Thi hành án dân sự 2008)
Tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế khai thác để thi hành án theo các hình thức sau đây:
(1) Tài sản mà người phải thi hành án đang trực tiếp khai thác hoặc cho người khác khai thác thì người đang khai thác được tiếp tục khai thác.
Trường hợp tài sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất mà chưa khai thác thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án ký hợp đồng khai thác tài sản với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác tài sản.
(2) Người khai thác tài sản quy định tại (1) phải nộp số tiền thu được từ việc khai thác tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự, sau khi trừ các chi phí cần thiết.
(3) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu mà người phải thi hành án không ký hợp đồng khai thác với người khác thì Chấp hành viên kê biên, xử lý tài sản đó để thi hành án.
(Điều 108 Luật Thi hành án dân sự 2008)
Cụ thể tại khoản 1 Điều 109 Luật Thi hành án dân sự 2008, Chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc cưỡng chế khai thác tài sản trong các trường hợp sau đây:
(i) Việc khai thác tài sản không hiệu quả hoặc làm cản trở đến việc thi hành án;
(ii) Người phải thi hành án, người khai thác tài sản thực hiện không đúng yêu cầu của Chấp hành viên về việc khai thác tài sản;
(iii) Người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và các chi phí về thi hành án;
(iv) Có quyết định đình chỉ thi hành án.
Lưu ý:
- Trường hợp việc cưỡng chế khai thác tài sản chấm dứt theo quy định tại (i) và (ii) thì Chấp hành viên tiếp tục kê biên và xử lý tài sản đó để thi hành án.
- Trường hợp việc cưỡng chế khai thác tài sản chấm dứt theo quy định tại (iii) và (iv) thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định, Chấp hành viên ra quyết định giải toả việc cưỡng chế khai thác tài sản và trả lại tài sản cho người phải thi hành án.
(Khoản 2 Điều 109 Luật Thi hành án dân sự 2008)
Cụ thể tại Điều 20 Luật Thi hành án dân sự 2008, Chấp hành viên có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.
- Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên.
- Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án.
- Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.
- Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án.
- Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật.
- Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.
- Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.
- Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ.
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |