Ngày 01/7/2024 là ngày chính thức cả nước thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Theo đó, 03 loại tiền lương sau đây sẽ đồng loạt tăng.
Cải cách tiền lương: 03 loại lương sẽ đồng loạt tăng từ ngày 01/7/2024 (Hình từ internet)
Ngày 10/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó từ ngày 01/7/2024, là ngày chính thức cả nước thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.
Theo đó, sẽ có sự thay đổi về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Cụ thể, 3 loại tiền lương quan trọng sẽ tăng từ ngày 01/7/2024 bao gồm:
(1) Thực hiện cải cách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, từ 01/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.
Trước đây, lương cơ bản của công chức được tính theo mức lương cơ sở và hệ số lương. Trong đó, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì mức lương cơ sở áp dụng là 1,8 triệu đồng/tháng, còn hệ số lương được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Tuy nhiên, từ 01/7/2024, khi cải cách tiền lương, theo thông tin mới nhất tại Cổng thông tin Chính phủ, quan hệ tiền lương của công chức, viên chức sẽ được mở rộng từ 1 - 2,34 - 10 lên 1 - 2,68 - 12.
Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.
Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.
Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.
Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).
(2) Lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội
Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội thì từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Bên cạnh đó, ngày 22/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2024 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025. Trong đó, nêu rõ, sẽ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Như vậy, từ ngày 01/7/2024 sẽ thực hiện tăng lương hưu cho người lao động đồng thời với thời điểm cải cách tiền lương.
Mức tăng lương hưu từ ngày 01/7/2024 cụ thể bao nhiêu thì hãy chờ thông tin từ Chính phủ Dự kiến Nghị định về việc tiếp tục điều chỉnh lương hưu sẽ được trình Chính phủ vào tháng 5/2024 tới đây. (Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024)
(3) Tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7/2024
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo dự thảo, mức lương tối thiểu tháng của các vùng đã tăng lên so với mức lương tối thiểu hiện tại. Mức tăng này dự kiến được áp dụng từ 01/7/2024.
Trong dự thảo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu, tăng tiền lương tối thiểu lên 6% so với mức hiện hành để áp dụng từ ngày 01/7/2024, cụ thể:
Vùng |
Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) |
Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
||
Dự kiến từ 01/7/2024 |
Hiện hành |
Dự kiến từ 01/7/2024 |
Hiện hành |
|
Vùng I |
4.960.000 |
4.680.000 |
23.800 |
22.500 |
Vùng II |
4.410.000 |
4.160.000 |
21.200 |
20.000 |
Vùng III |
3.860.000 |
3.640.000 |
18.600 |
17.500 |
Vùng IV |
3.450.000 |
3.250.000 |
16.600 |
15.600 |
Như vậy, dự kiến sẽ có 3 loại tiền lương đồng loạt tăng từ 1/7/2024 bao gồm tăng lương cán bộ, công chức, viên chức khi cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động.
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |