Xin hỏi tàu bay bị xoá đăng ký quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp nào? - Ánh Nguyệt (Bình Thuận)
Căn cứ quy định tại Điều 13 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 thì tàu bay là thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí, bao gồm máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác, trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí phản lại từ bề mặt trái đất.
Tàu bay đăng ký mang quốc tịch Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Chưa có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào hoặc đã xóa quốc tịch nước ngoài;
(2) Có giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu bay;
(3) Phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc công nhận.
Tàu bay đang trong giai đoạn chế tạo, lắp ráp hoặc thử nghiệm tại Việt Nam được tạm thời đăng ký mang quốc tịch Việt Nam nếu đáp ứng điều kiện (2) và (3) nêu trên.
Tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam và do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác phải đăng ký mang quốc tịch Việt Nam, trong trường hợp là cá nhân thì cá nhân phải thường trú tại Việt Nam.
Tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê theo hình thức thuê không có tổ bay, thuê mua được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
Sổ đăng bạ tàu bay ViệtNam được mở công khai và ghi các thông tin về đăng ký quốc tịch tàu bay. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu được cấp trích lục hoặc bản sao từ Sổ đăng bạ tàu bay ViệtNam và phải nộp lệ phí.
Tàu bay mang quốc tịch Việt Nam từ thời điểm ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay.
Người đề nghị đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải nộp lệ phí.
Các trường hợp tàu bay bị xoá đăng ký quốc tịch Việt Nam (Hình từ internet)
Căn cứ quy định tại Điều 14 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 và Khoản 6 Điều 1 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 2014 thì tàu bay bị xoá đăng ký quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
- Bị tuyên bố mất tích theo quy định tại khoản 3 Điều 103 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006;
- Hư hỏng nặng không còn khả năng sửa chữa, phục hồi;
- Không còn đáp ứng điều kiện đăng ký quốc tịch Việt Nam cho tàu bay nêu trên.
- Theo đề nghị của người đăng ký tàu bay, chủ sở hữu tàu bay, người nhận giao dịch bảo đảm, người cho thuê hoặc người bán tàu bay có điều kiện.
Dấu hiệu quốc tịch, dấu hiệu đăng ký của tàu bay được quy định cụ thể tại Điều 11 Nghị định 68/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Dấu hiệu quốc tịch Việt Nam của tàu bay bao gồm biểu tượng Quốc kỳ Việt Nam và dấu hiệu đăng ký của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam.
- Dấu hiệu đăng ký của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam được biểu thị bằng hai (02) chữ cái viết liền "VN" và tiếp theo là dấu gạch nối "-", một trong các chữ cái sau đây và ba (03) chữ số Ả rập:
+ Chữ "A" đối với tàu bay có động cơ phản lực (Turbofan/Turbojet);
+ Chữ "B" đối với tàu bay có động cơ phản lực cánh quạt (Turboprop);
+ Chữ "C" đối với tàu bay có động cơ piston;
+ Chữ "D" đối với các phương tiện bay khác.
Mai Thanh Lợi
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |