Các trường hợp phải được phân tích nguy cơ với an toàn thực phẩm

Các trường hợp phải được phân tích nguy cơ với an toàn thực phẩm
Lê Trương Quốc Đạt

Các trường hợp phải được phân tích nguy cơ với an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010.

Các trường hợp phải được phân tích nguy cơ với an toàn thực phẩm

Các trường hợp phải được phân tích nguy cơ với an toàn thực phẩm (Hình từ Internet)

1. Các trường hợp phải được phân tích nguy cơ với an toàn thực phẩm

Các đối tượng phải được phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm theo Điều 49 Luật An toàn thực phẩm 2010 gồm:

- Thực phẩm có tỷ lệ gây ngộ độc cao.

- Thực phẩm có kết quả lấy mẫu để giám sát cho thấy tỷ lệ vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm ở mức cao.

- Môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị nghi ngờ gây ô nhiễm.

- Thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phân tích nguy cơ theo yêu cầu quản lý.

2. Quy định về hoạt động phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm

Quy định về hoạt động phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm theo Điều 50 Luật An toàn thực phẩm 2010 như sau:

- Việc phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm bao gồm các hoạt động về đánh giá, quản lý và truyền thông về nguy cơ đối với an toàn thực phẩm.

- Việc đánh giá nguy cơ đối với an toàn thực phẩm bao gồm:

+ Điều tra, xét nghiệm xác định các mối nguy đối với an toàn thực phẩm thuộc các nhóm tác nhân về vi sinh, hoá học và vật lý;

+ Xác định nguy cơ của các mối nguy đối với an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của các mối nguy đối với sức khỏe cộng đồng.

- Việc quản lý nguy cơ đối với an toàn thực phẩm bao gồm:

+ Thực hiện các giải pháp hạn chế nguy cơ an toàn thực phẩm trong từng công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm;

+ Kiểm soát, phối hợp nhằm hạn chế nguy cơ đối với an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm khác.

- Việc truyền thông về nguy cơ đối với an toàn thực phẩm bao gồm:

+ Cung cấp thông tin về các biện pháp phòng tránh khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm do thực phẩm mất an toàn gây ra nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân về nguy cơ đối với an toàn thực phẩm;

+ Thông báo, dự báo nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo nguy cơ đối với an toàn thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm.

3. Quy định về phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm

Quy định về phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm theo Điều 52 Luật An toàn thực phẩm 2010 như sau:

- Tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu liên quan đến sự cố về an toàn thực phẩm có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

- Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm bao gồm:

+ Bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm;

+ Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng;

+ Kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

+ Phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm;

+ Điều tra, khảo sát và lưu trữ các số liệu về an toàn thực phẩm;

+ Lưu mẫu thực phẩm.

- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương.

- Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn đối với những sự cố về an toàn thực phẩm ở nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

95 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;