Cho tôi hỏi các trường hợp không giải quyết tiếp xúc lãnh sự được quy định gồm những trường hợp nào? - Phương Anh (Hậu Giang)
Các trường hợp không giải quyết tiếp xúc lãnh sự (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Các trường hợp không giải quyết tiếp xúc lãnh sự theo Điều 14 Nghị định 120/2017/NĐ-CP như sau:
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam từ chối việc tiếp xúc lãnh sự.
- Vì lý do khẩn cấp để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cơ sở giam giữ.
- Khi có dịch bệnh xảy ra tại cơ sở giam giữ.
- Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A.
- Người đến tiếp xúc lãnh sự vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ.
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ, đang bị kỷ luật.
Quy định về việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài tiếp xúc lãnh sự theo Điều 13 Nghị định 120/2017/NĐ-CP như sau:
- Tiếp xúc lãnh sự là hoạt động của viên chức ngoại giao, lãnh sự thuộc cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang quốc tịch đến thực hiện việc tiếp xúc lãnh sự.
- Bộ Ngoại giao là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu về tiếp xúc lãnh sự. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài có yêu cầu tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là công dân nước mình phải gửi văn bản đề nghị đến Bộ Ngoại giao. Nội dung văn bản đề nghị gồm:
+ Tên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự gửi văn bản;
+ Họ và tên, quốc tịch người bị tạm giữ, người bị tạm giam cần tiếp xúc lãnh sự;
+ Cơ sở đang giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
+ Họ và tên, chức vụ, số hộ chiếu hoặc số thẻ ngoại giao của những người đến tiếp xúc lãnh sự;
+ Họ và tên người phiên dịch (nếu có);
+ Nội dung tiếp xúc lãnh sự và các đề nghị khác (nếu có).
- Khi có đề nghị tiếp xúc lãnh sự, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo nội dung tiếp xúc lãnh sự cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Ngoại giao đề nghị tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ sở giam giữ trả lời bằng văn bản về việc đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự gửi Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan ngoại giao, lãnh sự nước ngoài có yêu cầu liên hệ với cơ quan thụ lý vụ án, cơ sở giam giữ tổ chức tiếp xúc lãnh sự.
Trường hợp không đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự thì cơ quan đang thụ lý vụ án trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do để Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài có yêu cầu tiếp xúc lãnh sự.
- Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc tiếp xúc lãnh sự.
Trách nhiệm của các cơ quan trong tổ chức tiếp xúc lãnh sự theo Điều 15 Nghị định 120/2017/NĐ-CP như sau:
- Thủ trưởng cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài, đảm bảo yêu cầu đối ngoại, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
- Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức việc tiếp xúc lãnh sự theo đúng quy định, trong trường hợp cần thiết thủ trưởng cơ sở giam giữ mời đại diện Bộ Ngoại giao hoặc đại diện Hội chữ thập đỏ Việt Nam cùng tham dự.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |