Tôi muốn biết tài sản công tại cơ quan nhà nước được phép bán trong các trường hợp nào? – Anh Quân (Bình Thuận)
Các trường hợp được bán tài sản công tại cơ quan nhà nước (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sửa dụng tài sản công 2017, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm:
- Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;
- Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;
- Tài sản công tại doanh nghiệp;
- Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước;
- Đất đai và các loại tài nguyên khác.
Tài sản công tại cơ quan nhà nước được bán trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 43 Luật Quản lý, sửa dụng tài sản công 2017, cụ thể như sau:
- Tài sản công bị thu hồi được xử lý theo hình thức bán quy định tại Điều 41 Luật Quản lý, sửa dụng tài sản công 2017;
- Cơ quan nhà nước được giao sử dụng tài sản công không còn nhu cầu sử dụng hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi về tổ chức hoặc thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và nguyên nhân khác mà không xử lý theo hình thức thu hồi hoặc điều chuyển;
- Thực hiện sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng tài sản công;
- Tài sản công được thanh lý theo hình thức bán quy định tại Điều 45 Luật Quản lý, sửa dụng tài sản công 2017, cụ thể tài sản công được thanh lý theo các hình thức sau đây:
+ Phá dỡ, hủy bỏ. Vật liệu, vật tư thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ tài sản được xử lý bán;
+ Bán.
Cụ thể tại khoản 1, khoản 2 Điều 22 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định về thẩm quyền quyết định bán tài sản công như sau:
- Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công theo hình thức bán được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Cụ thể, thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý, sửa dụng tài sản công 2017 được quy định như sau:
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
+ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
- Thẩm quyền quyết định bán tài sản công trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 43 Luật Quản lý, sửa dụng tài sản công 2017 được quy định như sau:
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định bán trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 tỷ đồng trở lên theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương có liên quan và ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tài sản bán;
+ Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định bán trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 500 tỷ đồng theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tài sản bán.
Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong nguyên giá tài sản để xác định thẩm quyền quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 22 Nghị định 151/2017/NĐ-CP được thực hiện theo quy định tại Chương XI Nghị định 151/2017/NĐ-CP
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định bán tài sản công không phải là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương;
+ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định bán tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Trường hợp phân cấp thẩm quyền quyết định bán tài sản là trụ sở làm việc, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |