Tôi muốn biết biện pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa được áp dụng trong những trường hợp nào? - Đức Hiếu (Ninh Bình)
Các trường hợp áp dụng biện pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Các trường hợp áp dụng biện pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa được quy định như sau:
(1) Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ đối với các trường hợp sau:
(i) Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 3 tháng:
Kể từ lần đầu tiên thương nhân đăng tải các thông tin, dữ liệu không liên quan đến việc đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền;
(ii) Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 6 tháng:
Kể từ ngày phát hiện việc thương nhân sử dụng chứng từ giả hoặc kê khai gian lận khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
(iii) Thu hồi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp và tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 6 tháng:
Kể từ ngày thương nhân không hợp tác, không cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ hoặc cung cấp sai thông tin chứng minh xuất xứ hàng hóa khi cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tiến hành hậu kiểm.
(2) Ngoài các biện pháp chống gian lận xuất xứ tại (ii) và (iii), cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa áp dụng chế độ luồng đỏ trong hệ thống quản lý rủi ro đối với thương nhân và công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.moit.gov.vn.
(3) Trường hợp thương nhân không thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 8 Điều 24 và Điều 30 Nghị định 31/2018/NĐ-CP:
Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa niêm yết công khai tên thương nhân đó tại nơi cấp trong thời hạn 6 tháng.
Thời gian trả kết quả cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho thương nhân thuộc trường hợp này là 3 ngày làm việc kể từ ngày thương nhân nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.
Sau 6 tháng, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ xem xét áp dụng thời gian cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 16 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.
(4) Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận xuất xứ, bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tránh nguy cơ bị các nước nhập khẩu Điều tra
Và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như lập cơ chế giám sát trong quá trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, ngừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho một số mặt hàng hoặc thương nhân gian lận.
(Điều 29 Nghị định 31/2018/NĐ-CP)
Căn cứ tại Điều 28 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được quy định như sau:
- Bộ Công Thương hướng dẫn việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trước và sau khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của thương nhân trong các trường hợp sau:
+ Kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do Bộ Công Thương cấp hoặc do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp hoặc do thương nhân tự chứng nhận xuất xứ theo yêu cầu của cơ quan hải quan nước nhập khẩu;
+ Phối hợp kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất của thương nhân để kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan hải quan nước nhập khẩu trong trường hợp kết quả kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định trên không được chấp nhận;
+ Thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất đối với thương nhân trước khi được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc đối với thương nhân đề nghị tham gia tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trước khi xem xét việc cấp Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Bộ Công Thương;
+ Thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất đối với thương nhân sau khi được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc đối với thương nhân sau khi phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Bộ Công Thương;
+ Chủ trì cùng các cơ quan hữu quan trong nước, phối hợp với các cơ quan chức năng Điều tra của nước nhập khẩu để kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.
- Bộ Tài chính hướng dẫn việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan trong các trường hợp sau:
+ Đối với hàng hóa xuất khẩu: tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa của thương nhân xuất khẩu trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, đảm bảo hàng hóa khai báo đúng xuất xứ.
Trong trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, Bộ Tài chính thông báo với Bộ Công Thương để phối hợp trong việc chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp;
+ Đối với hàng hóa nhập khẩu:
++ Tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa của thương nhân nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu;
++ Gửi yêu cầu kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu một cách ngẫu nhiên hoặc khi có lý do nghi ngờ tính chính xác của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tính xác thực của các thông tin liên quan đến xuất xứ của hàng hóa thuộc diện nghi ngờ;
++ Thành lập đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất của thương nhân nước xuất khẩu theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong trường hợp không chấp nhận kết quả kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Bộ Công Thương để phối hợp.
Nguyễn Thị Hoài Thương
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |