Các phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư

Các phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì các phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư thế nào? - Hoàng Huy (Trà Vinh)

Các phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư

Các phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Các phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư 

Theo khoản 1 Điều 89 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì hoạt động xúc tiến đầu tư được thực hiện theo các phương thức sau đây:

- Thu thập thông tin, tổng hợp, nghiên cứu xây dựng các đề án, báo cáo, tài liệu; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng cổng, trang thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư;

- Tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; đoàn công tác xúc tiến đầu tư theo từng chuyên đề hoặc đối tác cụ thể;

- Tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài;

- Tổ chức đối thoại giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư;

- Kết nối nhà đầu tư với cơ quan nhà nước, với các nhà đầu tư, với các tổ chức, cá nhân;

- Tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, chính sách, pháp luật về đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài;

- Cung cấp thông tin, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư;

- Tổng hợp đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh.

2. Nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư

Nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư theo Điều 88 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:

- Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.

- Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư.

- Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

- Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.

- Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư.

- Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.

- Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư.

- Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.

3. Quy định về điều phối hoạt động xúc tiến đầu tư

Quy định về điều phối hoạt động xúc tiến đầu tư theo Điều 90 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:

- Phương thức điều phối hoạt động xúc tiến đầu tư:

+ Bố trí, sắp xếp các hoạt động xúc tiến đầu tư đảm bảo hiệu quả, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế, vùng lãnh thổ, địa phương và điều kiện cụ thể trong từng thời điểm nhất định;

+ Cân đối nội dung, thời gian, thời hạn, tiến độ, thành phần đoàn xúc tiến và kinh phí hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với yêu cầu và thực tiễn triển khai.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất điều phối hoạt động xúc tiến đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

+ Hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chương trình xúc tiến hằng năm phù hợp với kế hoạch xúc tiến đầu tư và chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia;

+ Điều phối xây dựng thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia;

+ Hướng dẫn, điều phối Chương trình xúc tiến đầu tư của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

+ Điều phối thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư của đơn vị mình;

+ Kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia;

+ Thường xuyên rà soát tình hình thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư theo đúng chương trình đã được phê duyệt và cập nhật thông tin trên Hệ thống thông tin quốc gia về xúc tiến đầu tư.

4. Quy định về cơ quan xúc tiến đầu tư

Quy định về cơ quan xúc tiến đầu tư theo Điều 91 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến đầu tư trong phạm vi cả nước.

- Các bộ, ngành phân công đầu mối thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực thuộc chức năng và thẩm quyền.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác xúc tiến đầu tư.

- Tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập cơ quan hoặc bộ phận xúc tiến đầu tư trong cơ cấu tổ chức của mình và có trách nhiệm bố trí cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, biên chế và kinh phí hoạt động.

Trường hợp thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được sự thống nhất của Bộ Nội vụ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

- Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài:

+ Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài trực thuộc và chịu sự quản lý của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

+ Tùy theo yêu cầu cụ thể của từng địa bàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với Bộ Ngoại giao về số lượng nhân sự xúc tiến đầu tư được bố trí tại cơ quan đại diện.

Trường hợp tại một địa bàn có biên chế từ hai cán bộ xúc tiến đầu tư trở lên thì thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư trực thuộc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

+ Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự chỉ đạo toàn diện của cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

521 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;