Các phương án chuyển loại rừng mới nhất

Các phương án chuyển loại rừng mới nhất
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi các phương án chuyển loại rừng mới nhất gồm những phương án là gì? Thủ tục chuyển loại rừng ra sao? - Quỳnh Hoa (Đồng Tháp)

Các phương án chuyển loại rừng mới nhất

Các phương án chuyển loại rừng mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Các phương án chuyển loại rừng mới nhất

Các phương án chuyển loại rừng theo Điều 39 Nghị định 156/2018/NĐ-CP như sau:

- Chủ rừng có trách nhiệm xây dựng phương án chuyển loại rừng.

- Nội dung cơ bản của phương án chuyển loại rừng bao gồm:

+ Căn cứ vào cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và điều kiện thực tiễn;

+ Đặc điểm khu rừng về: điều kiện tự nhiên; điều kiện kinh tế - xã hội; hiện trạng tài nguyên rừng, đa dạng sinh học; đánh giá tình hình quản lý, bảo vệ và sử dụng của khu rừng;

+ Xác định diện tích, phạm vi và ranh giới của loại rừng trên bản đồ;

+ Xác định lý do chuyển loại rừng, nội dung quản lý, giải pháp và tổ chức thực hiện quản lý khu rừng;

+ Xác định khái toán kinh phí; tổ chức thực hiện phương án.

2. Trình tự, thủ tục chuyển loại rừng

Trình tự, thủ tục chuyển loại rừng theo Điều 40 Nghị định 156/2018/NĐ-CP như sau:

- Đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập:

+ Chủ rừng gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 02 bộ hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với khu rừng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Hồ sơ gồm: văn bản đề nghị của chủ rừng; phương án chuyển loại rừng;

+ Chủ rừng gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 02 bộ hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với khu rừng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Hồ sơ gồm: văn bản đề nghị của chủ rừng; phương án chuyển loại rừng;

+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì thẩm định; báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển loại rừng;

+ Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển loại rừng;

+ Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chuyển loại rừng.

- Đối với khu rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập:

+ Chủ rừng gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 02 bộ hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hồ sơ gồm: văn bản đề nghị của chủ rừng, phương án chuyển loại rừng;

+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân cấp tỉnh xem xét;

+ Trước 15 ngày của kỳ họp Hội đồng nhân dân gần nhất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định chủ trương chuyển loại rừng. Sau 15 ngày của kỳ họp, Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về chủ trương chuyển loại rừng;

+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc sau khi có quyết định chủ trương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển loại rừng.

3. Tiêu chí rừng tự nhiên

Theo Điều 4 Nghị định 156/2018/NĐ-CP thì rừng tự nhiên bao gồm rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh khi đạt các tiêu chí sau đây:

- Độ tàn che của các loài cây thân gỗ, tre nứa, cây họ cau (sau đây gọi tắt là cây rừng) là thành phần chính của rừng tự nhiên từ 0,1 trở lên.

- Diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên.

- Chiều cao trung bình của cây rừng là thành phần chính của rừng tự nhiên được phân chia theo các điều kiện lập địa như sau:

+ Rừng tự nhiên trên đồi, núi đất và đồng bằng: chiều cao trung bình của cây rừng từ 5,0 m trở lên;

+ Rừng tự nhiên trên đất ngập nước ngọt: chiều cao trung bình của cây rừng từ 2,0 m trở lên;

+ Rừng tự nhiên trên đất ngập phèn: chiều cao trung bình của cây rừng từ 1,5 m trở lên;

+ Rừng tự nhiên trên núi đá, đất cát, đất ngập mặn và các kiểu rừng ở điều kiện sinh thái đặc biệt khác: chiều cao trung bình của cây rừng từ 1,0 m trở lên.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

306 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;