Các loại thuốc bảo vệ thực vật phải tiêu hủy

Các loại thuốc bảo vệ thực vật phải tiêu hủy
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi các loại thuốc bảo vệ thực vật phải tiêu hủy theo quy định hiện nay gồm những loại thuốc nào? - Đức Huy (Tiền Giang)

Các loại thuốc bảo vệ thực vật phải tiêu hủy

Các loại thuốc bảo vệ thực vật phải tiêu hủy (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Các loại thuốc bảo vệ thực vật phải tiêu hủy

Theo khoản 1 Điều 74 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 thì các loại thuốc bảo vệ thực vật phải tiêu hủy bao gồm:

- Thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam, không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013;

- Thuốc bảo vệ thực vật giả;

- Thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng mà không thể tái chế;

- Thuốc bảo vệ thực vật không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định mà không thể tái chế hoặc tái xuất;

- Thuốc bảo vệ thực vật vô chủ, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

2. Quy định về thu hồi thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi

Quy định về thu hồi thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi theo Điều 73 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 như sau:

- Thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi trong các trường hợp sau đây:

+ Không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định;

+ Hết hạn sử dụng;

+ Nhãn, bao gói thuốc bảo vệ thực vật có sai sót hoặc không đúng quy định.

- Khi phát hiện thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện bị thu hồi thì cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về lô thuốc phải thu hồi và có trách nhiệm thu hồi ngay toàn bộ thuốc đó.

Trong trường hợp cơ sở sản xuất, nhập khẩu không tự nguyện thu hồi thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc thu hồi.

- Các biện pháp xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi bao gồm:

+ Tái xuất;

+ Tái chế;

+ Khắc phục lỗi ghi nhãn, bao gói;

+ Tiêu hủy.

- Thẩm quyền xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi được quy định như sau:

+ Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương quyết định biện pháp và thời hạn xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi; kiểm tra việc thu hồi và xử lý thuốc của cơ sở buôn bán trên địa bàn; xử lý vi phạm về thu hồi thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở buôn bán trên địa bàn theo quy định;

+ Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định biện pháp và thời hạn xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi; kiểm tra việc thu hồi và xử lý thuốc của cơ sở sản xuất; xử lý vi phạm về thu hồi thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở buôn bán khi việc thu hồi thuốc xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Cơ sở sản xuất, nhập khẩu có thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi phải chịu mọi chi phí thu hồi và xử lý.

3. Quy định về bảo quản thuốc bảo vệ thực vật

Quy định về bảo quản thuốc bảo vệ thực vật theo Điều 69 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 như sau:

- Việc bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ hướng dẫn về bảo quản của nhà sản xuất ghi trên nhãn, bao gói; bảo đảm an toàn đối với con người, vật nuôi và môi trường.

- Kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm khoảng cách an toàn, xa trường học, bệnh viện, khu dân cư tập trung; bảo đảm yêu cầu kỹ thuật trong bảo quản; có cảnh báo; có trang thiết bị, phương tiện xử lý sự cố phù hợp với đặc tính nguy hiểm của thuốc bảo vệ thực vật; bảo đảm quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường.

- Kho chuyên dùng bảo quản thuốc bảo vệ thực vật sinh học không bắt buộc phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 nhưng phải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

- Trường hợp thuốc bảo vệ thực vật bị rò rỉ, phát tán có nguy cơ gây tác hại đến con người, vật nuôi, môi trường, tổ chức, cá nhân bảo quản thuốc có trách nhiệm áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả, khắc phục sự cố và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để được hỗ trợ khắc phục và giám sát, ngăn ngừa hậu quả xấu; tổ chức, cá nhân có thuốc bảo quản bị rò rỉ, phát tán phải chịu mọi chi phí để khắc phục sự cố và bồi thường thiệt hại do sự cố gây ra.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

160 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;