Xin cho hỏi các loại tàu biển nào đã qua sử dụng mà được phép nhập khẩu để phá dỡ? - Văn Nam (Phan Thiết)
Các loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 82/2019/NĐ-CP quy định tàu biển đã qua sử dụng có thân tàu không bằng vật liệu phi kim loại được phép nhập khẩu để phá dỡ bao gồm:
- Tàu chở hàng khô, gồm: Hàng tổng hợp, hàng rời, hàng thiết bị, gỗ dăm, gỗ cây, ngũ cốc, hàng đóng bao, hàng sắt thép.
- Tàu container.
- Tàu chở quặng.
- Tàu chở hàng lỏng, gồm: Dầu thô, dầu sản phẩm, dầu thực vật.
- Tàu chở gas, khí hóa lỏng.
- Tàu Ro-Ro, tàu khách, sà lan biển, phà biển.
Tại Điều 13 Nghị định 82/2019/NĐ-CP quy định định về phương án phá dỡ tàu biển như sau:
- Trước khi tiến hành phá dỡ từng tàu biển, chủ cơ sở phá dỡ tàu biển phải lập, phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 82/2019/NĐ-CP.
- Phương án phá dỡ tàu biển gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Thông tin chung: Tên và địa chỉ của doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; tên và địa chỉ của cơ sở phá dỡ tàu biển; tàu biển phá dỡ (tên tàu, quốc tịch; đặc tính kỹ thuật của tàu);
+ Thông tin về phá dỡ: Quy trình công nghệ phá dỡ (thứ tự các hạng mục của tàu được thực hiện phá dỡ kèm theo bản vẽ bố trí chung của tàu biển phá dỡ, bản vẽ vị trí phá dỡ tàu biển nằm trong mặt bằng tổng thể cơ sở phá dỡ); trang thiết bị, nhân lực phục vụ phá dỡ; ngày bắt đầu và ngày hoàn thành việc phá dỡ;
+ Các biện pháp về: An toàn lao động, vệ sinh môi trường; phòng, chống cháy, nổ và phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Tại Điều 7 Nghị định 82/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP) quy định cơ sở phá dỡ tàu biển phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có cầu cảng, luồng hàng hải đã được công bố theo quy định tại Nghị định 58/2017/NĐ-CP.
- Đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường.
- Có nhân lực, quy trình kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định tại Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
- Có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP.
Điều 12 Nghị định 82/2019/NĐ-CP quy định về quyết định dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển như sau:
- Bộ Giao thông vận tải quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển trong các trường hợp sau trên cơ sở đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
+ Cơ sở phá dỡ tàu biển không đáp ứng điều kiện hoạt động quy định tại Điều 7 Nghị định 82/2019/NĐ-CP;
+ Vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh;
+ Khi có dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Căn cứ đề xuất, kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển; trường hợp không dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, Bộ Giao thông vận tải phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
- Bộ Giao thông vận tải thông báo cho các cơ quan liên quan biết và công bố quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải.
Hồ Quốc Tuấn
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |