Các loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ

Các loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ
Lê Trương Quốc Đạt

Các loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ được quy định tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP.

Các loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ

Các loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ (Hình từ Internet)

1. Các loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ

Các loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ theo Điều 4 Nghị định 46/2023/NĐ-CP bao gồm:

- Bảo hiểm tài sản.

- Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển.

- Bảo hiểm hàng không.

- Bảo hiểm xe cơ giới.

- Bảo hiểm cháy, nổ.

- Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu.

- Bảo hiểm trách nhiệm.

- Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính.

- Bảo hiểm nông nghiệp.

- Bảo hiểm bảo lãnh.

- Bảo hiểm thiệt hại khác.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

Điều kiện, tiêu chuẩn của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam theo Điều 30 Nghị định 46/2023/NĐ-CP như sau:

- Các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

- Là thành viên (Associate) của Hội các nhà tính toán bảo hiểm đang là thành viên chính thức của Hội các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế; hoặc có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và có bằng chứng chứng minh đã thi đạt tối thiểu 02 môn thi (exam) của một trong các Hội sau: Hội các nhà tính toán bảo hiểm Vương quốc Anh, Hội các nhà tính toán bảo hiểm Hoa Kỳ, Hội các nhà tính toán bảo hiểm Úc, Hội các nhà tính toán bảo hiểm Ca-na-đa hoặc các bằng chứng chứng minh đã thi đạt các môn thi theo khóa học, chương trình đào tạo chuyên ngành tính toán được các Hội trên công nhận tương đương với 02 môn thi của Hội.

Sau 03 năm kể từ ngày Nghị định 46/2023/NĐ-CP có hiệu lực, chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải tối thiểu là thành viên (Associate) của một trong những Hội các nhà tính toán bảo hiểm đang là thành viên chính thức của Hội các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế và không vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề tính toán bảo hiểm.

Sau 05 năm kể từ ngày Nghị định 46/2023/NĐ-CP có hiệu lực, chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải là thành viên chính thức (Fellow) được đào tạo về tính toán trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ của Hội các nhà tính toán bảo hiểm đang là thành viên chính thức của Hội các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế và không vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề tính toán bảo hiểm.

- Là người lao động tại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

- Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

- Quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 30 Nghị định 46/2023/NĐ-CP có hiệu lực sau 01 năm kể từ ngày Nghị định 46/2023/NĐ-CP có hiệu lực.

3. Quy định về dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm phi nhân thọ

Quy định về dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm phi nhân thọ theo Điều 38 Nghị định 46/2023/NĐ-CP như sau:

- Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải trích lập dự phòng nghiệp vụ theo từng nghiệp vụ bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm tương ứng với phần trách nhiệm đã cam kết theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và phải được chuyên gia tính toán của doanh nghiệp, chi nhánh xác nhận.

- Dự phòng nghiệp vụ bao gồm:

+ Dự phòng phí chưa được hưởng: Được sử dụng để bồi thường cho trách nhiệm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo;

+ Dự phòng bồi thường: Được sử dụng để bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết;

+ Dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất: Được sử dụng để bồi thường khi có dao động lớn về tổn thất hoặc tổn thất lớn xảy ra mà tổng phí bảo hiểm trong năm tài chính sau khi đã trích lập dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết không đủ để chi trả tiền bồi thường đối với phần trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

- Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp tái bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ được phép lựa chọn các phương pháp trích lập dự phòng theo hướng dẫn tại Điều 39 Nghị định 46/2023/NĐ-CP hoặc phương pháp khác thì phải chứng minh cho kết quả dự phòng nghiệp vụ chính xác, đầy đủ hơn và đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận theo quy định tại Điều 45 Nghị định 46/2023/NĐ-CP trước khi áp dụng.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;