Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch

Xin hỏi theo quy định pháp luật thì các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch? - Duy Nga (Vĩnh Phúc)

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch

Căn cứ Điều 9 Luật Du lịch 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch gồm:

- Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật.

- Xâm hại tài nguyên du lịch, môi trường du lịch.

- Phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ.

- Kinh doanh du lịch khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh.

- Hành nghề hướng dẫn du lịch khi không đủ điều kiện hành nghề.

- Quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; quảng cáo về loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật khác có liên quan.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch (Hình từ internet)

Chính sách phát triển du lịch

Chính sách phát triển du lịch được quy định cụ thể tại Điều 5 Luật Du lịch 2017 như sau:

- Nhà nước có chính sách huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch để bảo đảm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

- Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí cho các hoạt động sau đây:

+ Điều tra, đánh giá, bảo vệ, tôn tạo, phát triển giá trị tài nguyên du lịch;

+ Lập quy hoạch về du lịch;

+ Xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, địa phương;

+ Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.

- Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:

+ Đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng cao;

+ Nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch;

+ Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch;

+ Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đặc thù khác;

+ Ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch;

+ Phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch; sử dụng nhân lực du lịch tại địa phương;

+ Đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn; hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch.

- Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, cư trú, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, hoàn thuế giá trị gia tăng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp khác cho khách du lịch.

Mai Thanh Lợi

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2727 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;