Tôi muốn biết có những dấu hiệu đáng ngờ nào trong lĩnh vực trung gian thanh toán liên quan đến rửa tiền? - Nam Anh (Bình Dương)
Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực trung gian thanh toán liên quan đến rửa tiền (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 27 Luật Phòng chống rửa tiền 2022, các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản liên quan đến rửa tiền bao gồm:
- Khách hàng từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán.
- Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính.
- Số điện thoại do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không tồn tại số điện thoại này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch.
- Giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo.
- Giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan đến tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo.
- Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với hoạt động kinh doanh, thu nhập của tổ chức, cá nhân này.
- Khách hàng yêu cầu đối tượng báo cáo thực hiện giao dịch không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực trung gian thanh toán liên quan đến rửa tiền được quy định như sau:
(1) Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên ví điện tử; tiền nạp vào và rút ra nhanh khỏi ví điện tử; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư ví điện tử rất nhỏ hoặc bằng không.
(2) Khách hàng thường xuyên thực hiện nạp tiền nhiều lần với giá trị nhỏ vào một ví điện tử, sau đó thực hiện giao dịch chuyển tiền giá trị lớn sang ví điện tử khác hoặc thực hiện giao dịch rút tiền giá trị lớn về tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng hoặc ngược lại.
(3) Các giao dịch chuyển tiền thường xuyên có giá trị nhỏ từ nhiều ví điện tử khác nhau về một ví điện tử hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều ví điện tử;
Các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo; ví điện tử phát sinh nhiều giao dịch chuyển tiền cho ví điện tử khác với thời gian khởi tạo giao dịch nhanh bất thường.
(4) Ví điện tử của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền nạp vào có giá trị lớn bất thường.
(5) Giao dịch nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền ra khỏi ví điện tử hay chuyển tiền giữa các ví điện tử được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.
(6) Có dấu hiệu nghi ngờ khách hàng sử dụng ví điện tử cá nhân để thực hiện giao dịch liên quan đến hoạt động của tổ chức hoặc giao dịch thay cho đối tượng cá nhân khác.
(7) Khách hàng là đơn vị chấp nhận thanh toán vẫn phát sinh giao dịch mặc dù trang thông tin điện tử chính thức hoặc trụ sở của khách hàng này qua xác minh đã ngừng hoạt động.
(8) Các giao dịch trực tuyến qua ví điện tử liên tục thay đổi về thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ IP.
(9) Khách hàng thường xuyên sử dụng thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ IP ở nước ngoài để truy cập vào ví điện tử hoặc thực hiện giao dịch trên ví điện tử; khách hàng thường xuyên sử dụng một thiết bị đăng nhập hoặc một địa chỉ IP để thực hiện giao dịch trên nhiều ví điện tử không cùng một chủ ví điện tử.
(Điều 29 Luật Phòng chống rửa tiền 2022)
Nguyễn Thị Hoài Thương
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |