08 điểm mới nổi bật của Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020

Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 được Quốc hội thông qua ngày 10/6/2020. Dưới đây là tổng hợp 08 điểm nổi bật của Luật này.

08 điểm mới nổi bật của Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020

08 điểm mới nổi bật của Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 - Ảnh minh họa

1. VKSNDTC được giám định âm thanh, hình ảnh

Cụ thể, tại Khoản 8 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 12 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định:

4. Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm:

d) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Như vậy, Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 quy định bổ sung thêm “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”  vào danh sách các tổ chức thực hiện giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự từ 01/01/2021.

Hơn nữa, Luật này cũng quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.”

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

2. Sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 3 Điều 8 về hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp tại Luật Giám định tư pháp 2012. Theo đó, từ ngày 01/01/2021, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp gồm có:

  • Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này hoặc đơn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cá nhân đã là giám định viên tư pháp nhưng bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc để thành lập Văn phòng giám định tư pháp; (Hiện nay chỉ quy định văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp)

  • Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đề nghị bổ nhiệm.

  • Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp. (Hiện nay chỉ quy định sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp)

  • Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc.

  • Chứng chỉ đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.

  • Các giấy tờ khác chứng minh người được đề nghị bổ nhiệm đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý lĩnh vực giám định.

3. Cấp thẻ cho người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Cụ thể, tại Điểm c Khoản 5 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 9 Luật Giám định tư pháp 2012 thì từ ngày 01/01/2021, người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp được cấp thẻ giám định viên tư pháp.

Theo đó, người có thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp có thẩm quyền cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp. Mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

4. Thời hạn giám định tư pháp không quá 04 tháng

Cụ thể, theo quy định tại Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020, thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.

Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu. Thời gian từ khi cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.

Bên cạnh đó, tại Khoản 16 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 bổ sung Điều 26a vào sau Điều 26 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định như sau:

Điều 26a. Thời hạn giám định tư pháp trong trường hợp trưng cầu giám định

...

3. Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

Từ quy định trên có thể thấy, thời hạn giám định tư pháp không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp theo pháp luật tố tụng hình sự là 03 tháng, Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

5. Nới lỏng điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp

Cụ thể, theo Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020, giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi đáp ứng đủ 2 điều kiện:

- Có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng;

- Có đề án thành lập Văn phòng giám định tư pháp phải nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện.

Trong khi đó, theo quy định hiện nay tại Luật Giám định tư pháp 2012 thì phải có từ đủ 05 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng thì mới được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.

Như vậy, kể từ ngày 01/01/2021 khi Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 có hiệu lực, điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp sẽ được nới lỏng hơn so với hiện nay.

6. Bổ sung trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp

Cụ thể, ngoài các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp theo Luật hiện hành, Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 đã bổ sung thêm các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp sau đây:

- Có quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định thôi việc, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật;

- Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp;

- Theo đề nghị của giám định viên tư pháp. Trường hợp giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; (Hiện nay chỉ quy định theo đề nghị của giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng có quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc)

- Giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm không thành lập Văn phòng hoặc sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập Văn phòng mà không đăng ký hoạt động.

7. Ngân sách nhà nước sẽ chi trả một phần kinh phí giám định tư pháp

Cụ thể, tại Khoản 20 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 đã bổ sung thêm quy định kinh phí thanh toán chi phí giám định tư pháp mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chi trả được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo dự toán hằng năm của cơ quan đó để thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp.

8. Bổ sung chế độ đối với người giám định tư pháp và người tham gia giám định tư pháp

Cụ thể, tại Khoản 20 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 đã bổ sung thêm Khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 37 Luật Giám định tư pháp 2012. Theo đó, từ ngày 01/01/2021, chế độ đối với người giám định tư pháp và người tham gia giám định tư pháp được quy định như sau:

- Việc thực hiện giám định tư pháp của công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng là hoạt động công vụ. Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có trách nhiệm bảo đảm đủ thời gian và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định. Người thực hiện giám định được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật

- Người giám định tư pháp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không do Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp trên cơ sở thỏa thuận với người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định.

- Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, người giúp việc cho người giám định tư pháp đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt, thực hiện nhiệm vụ trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi thì được hưởng bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc giám định.

Lê Vy 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

966 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;