Tôi muốn hỏi việc cấp phép tài nguyên nước theo pháp luật Việt Nam được dựa trên những căn cứ nào? - Trọng Hiệp (Khánh Hòa)
05 căn cứ cấp phép tài nguyên nước theo pháp luật Việt Nam (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Việc cấp phép tài nguyên nước phải bảo đảm tuân thủ theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 18 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo vệ tài nguyên nước và môi trường theo quy định của pháp luật.
- Ưu tiên cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước để cung cấp nước cho sinh hoạt.
- Không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
- Phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phê duyệt, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, việc cấp phép tài nguyên nước phải trên cơ sở các căn cứ sau đây:
(1) Chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng và địa phương;
(2) Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có các quy hoạch, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thì phải căn cứ vào khả năng nguồn nước và phải bảo đảm không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước;
(3) Hiện trạng khai thác, sử dụng nước trong vùng;
(4) Báo cáo thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
(5) Nhu cầu khai thác, sử dụng nước thể hiện trong đơn đề nghị cấp phép.
Trường hợp cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất, ngoài các căn cứ trên còn phải căn cứ vào các quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 52 Luật Tài nguyên nước 2012.
Điều 52. Thăm dò, khai thác nước dưới đất
...
4. Hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực sau đây:
a) Khu vực có nguồn nước mặt có khả năng đáp ứng ổn định cho các nhu cầu sử dụng nước;
b) Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức;
c) Khu vực có nguy cơ sụt, lún đất, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất;
d) Khu vực có nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm hoặc có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm chất lượng;
đ) Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng.
5. Các hình thức hạn chế khai thác nước dưới đất bao gồm:
a) Hạn chế về đối tượng, mục đích khai thác;
b) Hạn chế về lưu lượng, thời gian khai thác;
c) Hạn chế về số lượng công trình, độ sâu, tầng chứa nước khai thác.
Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Đã hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định Nghị định 02/2023/NĐ-CP.
- Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phế duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước nếu chưa có các quy hoạch và quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.
Phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.
- Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 Luật Tài nguyên nước 2012, điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định 02/2023/NĐ-CP và các điều kiện sau đây:
+ Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình;
+ Có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |