Xin cho tôi biết các trường hợp nào phải thụ lý ngay vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định hiện hành? – Văn Hoàng (Đà Nẵng)
04 trường hợp phải thụ lý ngay vụ việc trợ giúp pháp lý năm 2023 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, các đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm:
- Người có công với cách mạng.
- Người thuộc hộ nghèo.
- Trẻ em.
- Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;
+ Người nhiễm chất độc da cam;
+ Người cao tuổi;
+ Người khuyết tật;
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;
+ Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
+ Người nhiễm HIV.
Các trường hợp thụ lý ngay theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 bao gồm:
(1) Thời hiệu khởi kiện của vụ việc còn dưới 05 ngày làm việc;
(2) Ngày xét xử theo quyết định đưa vụ án ra xét xử còn dưới 05 ngày làm việc;
(3) Các trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi 2021) và các trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 mà cơ quan tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm;
(4) Các trường hợp để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý do người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý quyết định.
(Khoản 1 Điều 6 Thông tư 12/2018/TT-BTP)
Cụ thể tại khoản 2, 3, 4 Điều 11 Thông tư 12/2018/TT-BTP quy định vè hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý như sau:
(1) Đối với hồ sơ vụ việc tham gia tố tụng bao gồm:
- Các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý 2017;
- Quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý; quyết định thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý (nếu có);
- Bản bào chữa hoặc bản bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Bản chính hoặc bản sao kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án, quyết định; văn bản tố tụng khác liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng cấp;
- Văn bản thông báo không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có);
- Giấy tờ, tài liệu khác thể hiện quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý;
- Phiếu lấy ý kiến người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ.
(2) Đối với hồ sơ vụ việc tư vấn pháp luật bao gồm:
- Các giấy tờ quy định tại các điểm a, đ và e khoản 2 Điều 11 Thông tư 12/2018/TT-BTP;
- Văn bản tư vấn pháp luật có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
(3) Đối với hồ sơ vụ việc đại diện ngoài tố tụng bao gồm:
- Các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, đ, e và g khoản 2 Điều 11 Thông tư 12/2018/TT-BTP;
- Văn bản giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản thể hiện kết quả việc đại diện ngoài tố tụng;
- Bản báo cáo về những công việc đã thực hiện và kết quả đạt được trong phạm vi đại diện ngoài tố tụng có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |