03 chính sách hỗ trợ dành cho người dân chịu thiệt hại do mưa lũ

Thống đốc NHNN vừa có Công văn 7751/NHNN-TD gửi các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền phải thực hiện ngay một số nội dung công việc để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

thiệt hại do mưa lũ, Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Công văn 7751/NHNN-TD

03 chính sách hỗ trợ dành cho người dân chịu thiệt hại do mưa lũ (Ảnh minh họa)

Ngày 23/10/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gửi Công văn 7751/NHNN-TD yêu cầu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố:  Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng phải thực hiện ngay một số nội dung công việc để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Theo đó, các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và một số biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai dành cho các đối tượng này được quy định như sau:

1. Các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ

Theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định 55/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 116/2018/NĐ-CP) quy định, các đối tượng được hưởng chính sách bao gồm:

- Cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ trang trại;

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

- Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn, ngoại trừ: Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp khai khoáng, các đơn vị sản xuất điện và các doanh nghiệp không thuộc đối tượng quy định ở mục d) nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất;

- Doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

2. Các chính sách hỗ trợ

Được bảo đảm tiền vay lên đến 03 tỷ đồng:

Khoản 2 Điều 9 Nghị định 55/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 116/2018/NĐ-CP) quy định cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được TCTD cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau:

- Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trừ trường hợp đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm);

- Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn;

- Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm;

- Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh;

- Tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp;

- Tối đa 01 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

- Tối đa 02 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không bao gồm các đối tượng thuộc Điểm h Khoản 2 Điều này;

- Tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.

Miễn, giảm lãi suất cho vay:

Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên mà NHNN đã ban hành văn bản gửi đến các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền. Do đó, cần đợi quyết định miễn, giảm lãi suất cho vay từ các TCTD.

Được xem xét khoanh nợ đối với khách hàng đang nợ:

Khoanh nợ là việc TCTD chưa thu nợ của khách hàng và không tính lãi tiền vay phát sinh trong thời gian được khoanh nợ.

Khoản 2 Điều 12 Nghị định 55/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 116/2018/NĐ-CP) quy định về thời gian được xem xét khoanh nợ như sau:

Trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này được TCTD đánh giá chưa có khả năng hoặc không có khả năng trả nợ vay cho TCTD, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính để được xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; thời gian khoanh nợ tối đa là 02 (hai) năm. Riêng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này thời gian khoanh nợ tối đa là 03 (ba) năm.

Để được xem xét khoanh nợ thì các đối tượng chịu thiệt hại cần phải lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ, thành phần hồ sơ như sau:

  • Văn bản thông báo tình trạng thiên tai trên phạm vi rộng của UBND cấp tỉnh trong trường hợp xảy ra thiên tai;

  • Giấy đề nghị khoanh nợ do khách hàng lập;

  • Tài liệu chứng minh khách hàng có dư nợ vay tại TCTD, bao gồm: Bản sao hợp đồng tín dụng, các giấy tờ nhận nợ;

  • Biên bản xác định khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay, trong đó ghi rõ mức độ bị thiệt hại do hậu quả thiên tai xảy ra trên phạm vi rộng có xác nhận của TCTD, khách hàng và cơ quan có thẩm quyền (xác nhận của UBND cấp tỉnh đối với doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã; xác nhận của UBND cấp huyện đối với hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại; xác nhận của UBND cấp xã đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác);

  • Báo cáo thẩm định của chi nhánh TCTD, quỹ tín dụng nhân dân về mức độ thiệt hại, khả năng trả nợ của khách hàng; phương án sản xuất kinh doanh, phương án kế hoạch trả nợ của khách hàng sau thời gian khoanh nợ; đề xuất của chi nhánh TCTD, quỹ tín dụng nhân dân về thời gian khoanh nợ cho khách hàng.

Thiên tai hoành hành tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên những ngày qua đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn chịu ảnh hưởng do mưa lũ cần lưu ý 03 chính sách hỗ trợ trên để bảo đảm quyền lợi của mình và vượt qua khó khăn này.

Phương Thanh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

510 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;