Trong bản án của TAND tỉnh Bình Định ngày 29/6 vừa qua, Tòa án đã dựa vào Án lệ 08/2016/AL để bác một yêu cầu từ phía Kiểm sát viên.
Như nhiều người cũng đã biết, TAND tối cao đã ban hành 10 án lệ cùng với đó có rất nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng án lệ (Đơn cử như: Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP, Công văn 146/TANDTC-PC, ....). Những án lệ này góp phần vào việc giải quyết các vụ án một cách thống nhất những vụ việc tương tự nhau, TAND tỉnh Bình Định cũng đã sử dụng Án lệ 08/2016/AL làm căn cứ để bác ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát trong Bản án số 49/2017/DS-PT ngày 29/6/2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Cụ thể:
Trong bản án 49/2017/DS-PT Kiểm sát viên đã có đề nghị: “…đồng thời đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của bà V sửa bản án sơ thẩm về nghĩa vụ chậm thi hành án phải chịu lãi suất theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định.”
(Có thể xem chi tiết Bản án 49/2017/DS-PT TẠI ĐÂY)
Tuy nhiên, nhận định trên của vị đại diện Viện kiểm sát đã không được TAND tỉnh Bình Định chấp nhận với lý do không đúng với hướng dẫn của Án lệ 08/2016/AL: “[4] Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của bà V sửa bản án sơ thẩm về nghĩa vụ chậm thi hành án phải chịu lãi suất theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định là không đúng hướng dẫn Án lệ số 08/2016/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua ngày 17/8/2016 và công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nên không chấp nhận.”
Việc vận dụng Án lệ này của TAND tỉnh Bình Định cũng tương tự tinh thần hướng dẫn của TANDTC trong Công văn 146/TANDTC-PC được ban hành ngày 11/7/2017 về viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử:
“Trường hợp áp dụng án lệ thì số án lệ, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ (nội dung khái quát của án lệ) phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn nguyên văn những nội dung hạt nhân của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc tương tự.”
Cũng dựa trên Án lệ đó, Tòa án đã sử dụng nội dung án lệ để nêu trong phần Quyết định của Bản án: “4. Về quyền, nghĩa vụ thi hành án:
4.1. Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm vợ chồng bà V còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trong trường hợp hợp đồng tín dụng củaNgân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh của Ngân hàng cho vay.”
Bản án 49/2017/DS-PT ngày 29/6/2017 của TAND tỉnh Bình Định cũng là bản án đầu tiên được công bố trên trang cổng thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án có sử đụng đến án lệ. Hi vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều án lệ được các Tòa án vận dụng vào trong xét xử.