Dự kiến lấy bản án giám định ADN cho trâu vào án lệ

Ngày 22/7 vừa qua, TANDTC đã tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ tại Tp. Hồ Chí Minh. Trong các bản án được đưa ra lấy ý kiến, có 1 bản án gây chú ý bằng việc Tòa án đã sử dụng việc giám định ADN cho trâu để giải quyết tranh chấp.

 

Theo bản dự thảo án lệ “về công sức chăm sóc, nuôi giữ” dựa trên Bản án dân sự phúc thẩm số 06/2017/DS-PT ngày 10-4-2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về vụ án dân sự “Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản” tại tỉnh Hà Tĩnh. Bên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả cho nguyên đơn 1 con trâu đi lạc khoảng 3,5 tuổi, do được báo trâu của mình đi lạc đang ở nhà bị đơn, nguyên đơn đã đến nhà bị đơn và xác nhận đây là trâu của mình, đề nghị thả trâu ra nhưng không được bị đơn đồng ý. Bị đơn lại cho rằng đây là trâu nhà mình, được trâu mẹ do gia đình nuôi sinh ra, do đến tuổi giao phối nên đi theo đàn trâu xóm khác nên ông và gia đình đến đưa về, vì vậy ông không đồng ý với việc nguyên đơn cho rằng đó là trâu của nguyên đơn.

Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng việc cấp sơ thẩm không tiến hành trưng cầu giám định ADN đối với con trâu được xác định là tài sản đang có tranh chấp khi có yêu cầu của bị đơn là chưa thực hiện quy định tại Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự. Vì vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành giám định ADN giữa con trâu tranh chấp và con trâu mẹ của bị đơn. Cuối cùng, con trâu đang tranh chấp với trâu mẹ của bị đơn không có quan hệ huyết thống, tuyên trả trâu cho nguyên đơn, đồng thời yêu cầu nguyên đơn trả cho bị đơn công chăm sóc, nuôi dưỡng trâu tương ứng mức tiền khoảng 10 triệu đồng.

Dưới đây là toàn bộ nội dung bản án về tranh chấp trâu được lấy làm dự thảo án lệ này:

 

Án lệ số   /2017/AL về công sức chăm sóc, nuôi giữ

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày   tháng      năm 2017 và được công bố theo Quyết định số     /QĐ-CA ngày    tháng     năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Bản án dân sự phúc thẩm số 06/2017/DS-PT ngày 10-4-2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về vụ án dân sự “Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản” tại tỉnh Hà Tĩnh giữa nguyên đơn là NĐ với bị đơn là BĐ; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm các NLQ 1 và NLQ 2; người làm chứng gồm NLC 1, NLC 2, NLC 3, NLC 4, NLC 5, NLC 6, NLC 7, NLC 8, NLC 9, NLC 10.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 7, 8, 9, 10 phần “Nhận định” của bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ 1:

Kết quả giám định ADN con trâu đang tranh chấp xác định một bên đương sự không phải là chủ sở hữu hợp pháp của con trâu và trong thời gian giải quyết tranh chấp không còn ai khác tranh chấp quyền sở hữu con trâu với các đương sự trong vụ án.

- Giải pháp pháp lý 1:

Trường hợp này, Tòa án phải công nhận con trâu đực là tài sản thuộc quyền sở hữu của đương sự còn lại.

- Tình huống án lệ 2:

Người chiếm hữu gia súc thuộc quyền sở hữu của người khác đã có công chăm sóc, nuôi giữ gia súc trong một thời gian dài.

- Giải pháp pháp lý 2:

Trường hợp này, chủ sở hữu gia súc phải thanh toán tiền công chăm sóc, nuôi giữ cho người chiếm hữu gia súc theo mức thu nhập trung bình của lao động phổ thông tại địa phương tương ứng với thời gian chăm sóc, nuôi giữ tính từ ngày chiếm hữu gia súc đến ngày tuyên án sơ thẩm.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

- Điều 596 và Điều 603 Bộ luật dân sự năm 2005 (Điều 576 và Điều 583 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Từ khóa của án lệ:

“Giám định ADN gia súc”; “Công chăm sóc, nuôi giữ gia súc”; “Chiếm hữu gia súc”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là NĐ trình bày:

Gia đình NĐ có con trâu đặc điểm màu da vải, sừng hơi chảng ra, mặt có 02 xoáy, hai vai trước 02 xoáy, hai mông sau có 02 xoáy, cổ phía trên có 01 xoáy, chân to, đuôi von. Con trâu này là con trâu thứ 7 do con trâu mẹ hiện ông đang nuôi sinh ra vào ngày 06-9-2012, sau con trâu này hiện đã có thêm 2 con nghé con. Con trâu đã được tiêm phòng 03 năm nay. Sau khi mất trâu, ông đã tiến hành đi tìm và được bà NLC 3 báo cho biết vào khoảng 6 đến 7 giờ ngày 04-7-2015 (AL) thấy BĐ và vợ là NLQ 2 cùng một số người bắt giữ trâu để xâu mũi, buộc tại cây xoan cách nhà ông khoản 300m. Ông đã đến nhà BĐ để xem trâu và xác nhận đó là trâu của mình, trình báo với chính quyền địa phương để giải quyết. Chính quyền địa phương đã thu thập hồ sơ, tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Ông đã nhiều lần đề nghị thả trâu ra, trâu về nhà ai thì thuộc quyền sở hữu của nhà đó nhưng BĐ vẫn không đồng ý. Cho rằng BĐ đã bắt giữ và chiếm hữu trâu bất hợp pháp nên ông khởi kiện ra Tòa án yêu cầu BĐ phải trả lại 01 con trâu có đặc điểm nêu trên cho gia đình ông.

Bị đơn BĐ trình bày: Gia đình ông có 03 con trâu (01 con trâu mẹ và 02 con nghé đực). Con nghé đầu (con trâu đang tranh chấp) sinh ngày 10-5-2012 đến nay tròn 03 năm 04 tháng tuổi đã tiềm phòng 03 năm và con nghé em vừa tròn 02 tuổi. Con trâu đó của gia đình có nguồn gốc 6-7 năm nay. Đặc điểm con trâu có 07 xoáy (02 xoáy nằm trên hai bên mông sau, 02 xoáy năm hai vai phía trước, trước cổ 01 xoáy và 02 xoáy nhãn kính trước mặt), răng mới rụng 02 cái chưa lên, sừng trâu dài 30 phân, sừng hơi chảng, móng vó to tròn, màu trâu da vải có 03 khoang trắng (02 khoang ở cổ, 01 khaong ở dưới cằm), bên trái có 02 chấm trắng. Ngày 17-8-2015, con trâu đến tuổi giao phối nên đã đi theo trâu mạ của Tổ dân phố I, phường K nên ông cùng gia đình đến để đưa về. Ông khẳng định đó là trâu của gia đình ông, nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của NĐ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – NLQ 2 là vợ của BĐ khẳng định: Con trâu đực đang tranh chấp trên là trâu của gia đình bà nên bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải trả lại trâu.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – NLQ 1 là vợ NĐ cho rằng: Bà thống nhất với những gì NĐ đã trình bày và khẳng định con trâu đang tranh chấp là trâu của gia đình bà, bà yêu cầu gia đình BĐ phải trả lại con trâu nêu trên.

Những người làm chứng: NLC 1, NLC 2, NLC 3, NLC 4, NLC 5, NLC 6, NLC 7, NLC 8, NLC 9, NLC 10 đều có lời khai tại hồ sơ vụ án, xác định sự việc xảy ra vào ngày 04-7-2015 (AL) và đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Sau khi nguyên đơn trình báo sự việc mất trâu lên chính quyền địa phương Uỷ ban nhân dân xã K và Công an phường đã tiến hành xây dựng hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ, tổ chức hòa giải nhiều lần và thực hiện tập quán tại địa phương để giải quyết tranh chấp. Yêu cầu bị đơn đang chiếm giữ trâu đưa trâu lên Công an và Uỷ ban nhân dân phường để thực hiện tập quán thả trâu ra, trâu về nhà nào thì thuộc quyền sở hữu của nhà đó. Tuy nhiên, bị đơn đã không phối hợp để thực hiện phương án.

Ngày 03-11-2015, sau khi làm việc với nguyên đơn, bị đơn, Tòa án cấp sơ thẩm đã tạm giao cho bị đơn quản lý con trâu đang tranh chấp trong thời gian giải quyết vụ án, nếu để xảy ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.

Ngày 11-4-2016, cấp sơ thẩm phối hợp cùng chính quyền địa phương, tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, kết quả: Tài sản đang tranh chấp là 01 con trâu đực lông màu đen (đen bạc, màu da vải) trọng lượng khoảng 300kg, trâu 04 tuổi, đặc điểm trâu có 02 xoáy và 02 chấm trắng ở hai bên mắt, ở hông trước có hai xoáy, phía hông sau có 02 xoáy; ở phía dưới cổ và đầu có 03 khoang trắng có 03 chấm trắng, có xoáy U cổ lệch trái mờ. Con trâu có trị giá tại thời điểm định giá là 30.000.000 đồng.

Với nội dung tranh chấp nêu trên, ngày 28-7-2016, tại bản án sơ thẩm số 04/2016/DSST, Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh áp dụng Điều 242, 255, 256 Bộ luật dân sự; Khoản 4 Điều 18, Điều 24, khoản 1, 2 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và danh mục mức án phí kèm theo, tuyên xử:

1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của NĐ.

2. Buộc bị đơn BĐ phải trả lại tài sản một con trâu đực trị giá 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng) hiện đang nuôi giữ cho nguyên đơn NĐ.

Trong trường hợp bị đơn để xảy ra thiệt hại đối với con trâu thì phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền trị giá con trâu là 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng).

Ngoài ra, Tòa án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 10-8-2016, bị đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, yêu cầu công nhận con trâu đực đang tranh chấp là của gia đình bị đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 24-11-2016, bị đơn và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng: Việc nguyên đơn khẳng định con trâu đang tranh chấp của nguyên đơn là không có cơ sở. Việc Tòa án sơ thẩm không tiến hành giám định ADN khi đã có đơn yêu cầu của đương sự là trái quy định của pháp luật. Đề nghị cấp phúc thẩm, tạm đình chỉ giải quyết vụ án để tiến hành giám định ADN của trâu đang tranh chấp để đảm bảo quyền và lợi ích cho bị đơn. Mọi chi phí, bị đơn hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Sau khi xem xét yêu cầu của bị đơn, Hội đồng xét xử đã hội ý và ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để trưng cầu giám định ADN của con trâu đang tranh chấp.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh sau khi phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và các đương sự, đã phân tích đánh giá các chứng cứ của vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung đơn kháng cáo của bị đơn và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và các đương sự:

NHẬN ĐỊNH

Về thủ tục tố tụng:

Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là vụ án tranh chấp vật nuôi quy định tại Điều 242 Bộ luật dân sự, Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự và thụ lý giải quyết là đúng quy định về thẩm quyền và quan hệ tranh chấp. Xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự, thời hạn giải quyết vụ án tuân thủ quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc cấp sơ thẩm không tiến hành trưng cầu giám định ADN đối với con trâu được xác định là tài sản đang có tranh chấp khi có yêu cầu của bị đơn là chưa thực hiện quy định tại Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án:

Xem xét các đặc điểm nhận dạng tài sản đang tranh chấp thấy rằng: Đây là con trâu đực khoảng 04 tuổi, lông màu đen hơi bạc (màu da vải), sừng hơi chảng ra, mặt có 02 xoáy, hai vai trước 02 xoáy, hai mông sau có 02 xoáy, cổ phía trên có 01 xoáy.

Căn cứ lời khai của các đương sự, về cơ bản cả phía nguyên đơn và bị đơn đều khẳng định hai gia đình có mất 01 con trâu đực với đặc điểm như đã nêu trên và đưa ra lời khai để nhận dạng con trâu đang có tranh chấp là tương đối chính xác. Vì vậy, chỉ căn cứ lời khai của các đương sự cũng như người làm chứng để đưa ra phán quyết là chưa có sức thuyết phục và không đảm bảo sự chính xác, khách quan. Trong quá trình giải quyết vụ án, phía chính quyền và Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa ra phương án áp dụng tập quán địa phương là thả trâu ra bãi, trâu về nhà nào thì thuộc quyền sở hữu của nhà đó. Tập quán này thường được áp dụng để giải quyết những vụ việc tranh chấp trâu, bò nhằm đảm bảo sự khách quan, trung thực, nhanh gọn và dứt điểm. Tuy nhiên, phương án này không tiến hành được do bị đơn không phối hợp thực hiện. Cấp sơ thẩm nhận định phía bị đơn đã tự từ bỏ, trốn tránh việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tự chứng minh của đương sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự là có cơ sở.

Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi phía bị đơn có đơn yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định ADN để xác định huyết thống của con trâu đực – là tài sản đang tranh chấp. Cấp phúc thẩm đã ra quyết định trưng cầu giám định, tiến hành lấy mẫu của con trâu đang tranh chấp với mẫu của con trâu mẹ giả định đang thuộc quyền sở hữu của bị đơn mà bị đơn cho rằng có cùng huyết thống.

Căn cứ Quyết định trưng cầu giám định và kết quả giám định do Công ty di truyền số iDNA thực hiện, kết luận: “Sau khi tiến hành phân tích mẫu xét nghiệm của trâu mẹ giả định thuộc quyền sở hữu của BĐ và trâu con, kết quả xét nghiệm ADN huyết thống động vật chỉ ra rằng, trâu mẹ giả định thuộc quyền sở hữu của BĐ và trâu con không có mối quan hệ huyết thống mẹ con. Xác suất có mối quan hệ huyết thống mẹ con là 0,00%”.

Như vậy, kết luận giám định này là căn cứ pháp lý khoa học, chính xác và khách quan nhất để Tòa án làm cơ sở xác định con trâu đực – là tài sản đang tranh chấp và con trâu mẹ hiện đang thuộc quyền sở hữu của BĐ không có quan hệ huyết thống. Điều đó cũng khẳng định rằng, con trâu đực không thuộc quyền sở hữu của BĐ. Nội dung BĐ kháng cáo không có căn cứ để chấp nhận.

Quá trình giải quyết vụ án từ cấp sơ thẩm đến cấp phúc thẩm, việc tranh chấp quyền sở hữu đối với con trâu đực chỉ phát sinh duy nhất từ phía hai hộ gia đình là NĐ và BĐ, ngoài ra không có ai khác. Như vậy, bằng phương pháp loại trừ có thể xác định con trâu đực là tài sản thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình NĐ như khẳng định của án sơ thẩm là có cơ sở.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cả hai bên đương sự, cấp phúc thẩm thấy bị đơn đã có công chăm sóc, nuôi dưỡng con trâu trong một thời gian dài nên cần tính công chăn dắt, nuôi dưỡng trâu cho bị đơn là đảm bảo cả lý và tình. Căn cứ văn bản xác nhận mức thu nhập của lao động phổ thông trên địa bàn phường K, thị xã L là từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày. Do đó, đối với công chăn dắt, nuôi dưỡng trâu bò cần chấp nhận ở mức 40.000 đồng/ngày là phù hợp.

Tại buổi làm việc ngày 03-11-2015, cấp sơ thẩm đã tạm giao cho BĐ được chăm sóc, nuôi dưỡng con trâu trong thời gian giải quyết vụ án. Đây là cơ sở pháp lý để cấp phúc thẩm tính thời gian chăm sóc tương ứng với tiền công chăn dắt, chăm sóc trâu kể từ ngày 31-11-2015 đến ngày tuyên án sơ thẩm, tương ứng với số tiền là: 269 ngày x 40.000 đồng = 10.760.000 đồng. Buộc nguyên đơn phải trả chi phí này cho bị đơn.

Từ những căn cứ trên, cấp phúc thẩm bác nội dung kháng cáo của BĐ, sửa một phần nội dung của bản án sơ thẩm.

Bị đơn kháng cáo không được chấp nhận phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH:

1.Không chấp nhận nội dung kháng cáo của BĐ, sửa một phần nội dung của Bản án sơ thẩm số 04/2016/DSST ngày 28-7-2016 của Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

2. Áp dụng điều 242, 255, 256 Bộ luật dân sự:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của NĐ.

- Buộc bị đơn BĐ phải trả lại tài sản một con trâu đực hiện gia đình đang chăm sóc, nuôi dưỡng trị giá 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) cho nguyên đơn NĐ. Đặc điểm con trâu như Biên bản xem xét, thẩm định và định giá tài sản ngày 11-4-2016.

- Buộc nguyên đơn NĐ phải trả tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng con trâu đực từ ngày 03-11-2015 đến ngày 28-7-2016 cho gia đình BĐ với số tiền 10.760.000 đồng.

Trong trường hợp bị đơn để xảy ra thiệt hại đối với con trâu thì phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền trị giá con trâu là 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu các đương sự có đơn yêu cầu thi hành án mà nguyên đơn hoặc bị đơn không chịu thi hành án thì còn phải trả tiền lãi theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm thi hành án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

3.Về án phí:

Về án phí sơ thẩm: Áp dụng khoản 4 Điều 18, Điều 24, khoản 1, 2 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án và danh mục mức án phí kèm theo: Buộc BĐ phải nộp 1.500.000 đồng (Một triệu năm trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại cho NĐ 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh theo Biên lai thu tiền số 0002338, ngày 02-11-2015.

Về án phí phúc thẩm: Áp dụng Điều 150 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Buộc BĐ phải nộp 200.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm được khấu trừ số tiền 200.000 đồng đã nộp theo Biên lai số 0002378 ngày 16-8-2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh; buộc NĐ phải nộp 530.000 đồng án phí dân sự theo giá ngạch.

4.Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

NỘI DUNG ÁN LỆ

Như vậy, kết luận giám định này là căn cứ pháp lý khoa học, chính xác và khách quan nhất để Tòa án làm cơ sở xác định con trâu đực – là tài sản đang tranh chấp và con trâu mẹ hiện đang thuộc quyền sở hữu của BĐ không có quan hệ huyết thống. Điều đó cũng khẳng định rằng, con trâu đực không thuộc quyền sở hữu của BĐ. Nội dung BĐ kháng cáo không có căn cứ để chấp nhận.

Quá trình giải quyết vụ án từ cấp sơ thẩm đến cấp phúc thẩm, việc tranh chấp quyền sở hữu đối với con trâu đực chỉ phát sinh duy nhất từ phía hai hộ gia đình là NĐ và BĐ, ngoài ra không có ai khác. Như vậy, bằng phương pháp loại trừ có thể xác định con trâu đực là tài sản thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình NĐ như khẳng định của án sơ thẩm là có cơ sở.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cả hai bên đương sự, cấp phúc thẩm thấy bị đơn đã có công chăm sóc, nuôi dưỡng con trâu trong một thời gian dài nên cần tính công chăn dắt, nuôi dưỡng trâu cho bị đơn là đảm bảo cả lý và tình. Căn cứ văn bản xác nhận mức thu nhập của lao động phổ thông trên địa bàn phường K, thị xã L là từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày. Do đó, đối với công chăn dắt, nuôi dưỡng trâu bò cần chấp nhận ở mức 40.000 đồng/ngày là phù hợp.

Tại buổi làm việc ngày 03-11-2015, cấp sơ thẩm đã tạm giao cho BĐ được chăm sóc, nuôi dưỡng con trâu trong thời gian giải quyết vụ án. Đây là cơ sở pháp lý để cấp phúc thẩm tính thời gian chăm sóc tương ứng với tiền công chăn dắt, chăm sóc trâu kể từ ngày 31-11-2015 đến ngày tuyên án sơ thẩm, tương ứng với số tiền là: 269 ngày x 40.000 đồng = 10.760.000 đồng. Buộc nguyên đơn phải trả chi phí này cho bị đơn.”.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3593 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;