Thay đổi cơ chế về giá: Từ “thủy lợi phí” thành “giá dịch vụ thủy lợi”

Thông qua phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào 12/9. Dự án Luật Thủy lợi được đưa ra thảo luận và lấy ý kiến. Theo đó, đã bổ sung nhiều nội dung đổi mới quan trọng về cơ chế tài chính cho dịch vụ thủy lợi như quy định về giá dịch vụ thủy lợi thay cho thủy lợi phí, xã hội hoá đầu tư công trình thủy lợi....

 

Quy định về chuyển đổi “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” là một bước chuyển tiến bộ về cơ chế tài chính trong công tác thủy lợi được đề cập tại Dự thảo Luật Thủy lợi.

Thủy lợi phí là khái niệm được quy định tại Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi 2001, theo đó, thuỷ lợi phí là phí dịch vụ về nước thu từ tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi cho mục đích sản xuất nông nghiệp để góp phần chi phí cho việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Như vậy thủy lợi phí ở đây có thể hiểu nôm na chính là khoản chi phí phải trả khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Giá dịch vụ thủy lợi theo Dự thảo Luật thủy lợi quy định như sau: Giá dịch vụ thuỷ lợi là chi phí phải chi trả cho một đơn vị sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi. Khái niệm này tuy ngắn gọn nhưng khá súc tích, thể hiện đầy đủ ý nghĩa về chi phí phải trả trong dịch vụ thủy lợi cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nguồn nước trong công tác thủy lợi.

Cũng tại Dự thảo Luật này, giá dịch vụ thủy lợi được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và được quy định theo mức giá cụ thể, khung giá hoặc giá tối thiểu, giá tối đa. Việc cung cấp, sử dụng dịch vụ thuỷ lợi được thực hiện thông qua hợp đồng dịch vụ theo vụ hoặc theo năm trên cơ sở giá dịch vụ thuỷ lợi.

Dự thảo đưa ra các quy định về chính sách giá dịch vụ thủy lợi như sau:

  • Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ từ công trình thuỷ lợi phải trả tiền cho bên cung cấp dịch vụ trên cơ sở giá dịch vụ thuỷ lợi được thoả thuận hoặc theo quy định;
  • Khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nước từ công trình thuỷ lợi;
  • Tạo động lực để việc tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi phát huy năng lực, lợi thế, nâng cao hiệu quả công trình;
  • Thực hiện trợ giá đối với dịch vụ thuỷ lợi phục vụ mục tiêu công ích;
  • Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí cho cho tổ chức, cá nhân trong trường hợp phòng, chống thiên tai.

Việc định giá dịch vụ thủy lợi phải đảm bảo nguyên tắc về:

  • Bảo đảm bù đắp chi phí quản lý, vận hành và bảo trì cho các hoạt động quản lý, khai thác dịch vụ thuỷ lợi;
  • Định giá được thực hiện theo cơ chế thị trường đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thuỷ lợi không phục vụ mục đích công ích;
  • Bảo đảm công bằng, hợp lý đối với tổ chức, cá nhân khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi;
  • Bảo đảm việc thực thi các chủ trương, chính sách của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế;
  • Kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Đồng thời, khi định giá dịch vụ thủy lợi cần dựa trên các căn cứ liên quan đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước ở từng thời kỳ; loại hình công trình thủy lợi; chất lượng dịch vụ thuỷ lợi; khả năng cung cấp, trình độ công nghệ, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cũng như khả năng thanh toán của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đó.

Hình ảnh minh họa

 

Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra ý kiến cho rằng: Quy định "giá dịch vụ thủy lợi" được sử dụng thay cho “thủy lợi phí” là nhằm đảm bảo phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành vì Luật Phí và lệ phí không quy định “thủy lợi phí”. Đồng thời, thực hiện giá dịch vụ thủy lợi trong công tác thủy lợi đảm bảo đúng bản chất “dịch vụ” giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất, góp phần nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nước.

Ngoài ra, Nhà nước cũng có chính sách miễn, giảm tiền sử dụng dịch vụ thuỷ lợi để hỗ trợ các dịch vụ thủy lợi phục vụ mục tiêu công ích, hỗ trợ dân sinh sản xuất tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong trường hợp bị thiệt hại do thiên tai gây ra thông qua các hình thức cấp kinh phí trực tiếp cho chủ quản lý công trình hoặc tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thuộc đối tượng được miễn, giảm.

Theo dự kiến, Dự thảo Luật Thủy lợi sẽ được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới./.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2641 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;