Theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019 , có 04 trường hợp tổ chức, cá nhân được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp. Vậy, thủ tục xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp cho tổ chức, cá nhân được thực hiện thế nào?
- Hướng dẫn trình tự, thủ tục khoanh nợ đối với trường hợp được khoanh tiền thuế nợ
- Luật Quản lý thuế 2019: Một số quy định quan trọng cần lưu ý
- 04 trường hợp tổ chức, cá nhân được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp
- Luật Quản lý thuế 2019: 17 trường hợp doanh nghiệp bị ấn định thuế
Thủ tục xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp (theo Luật Quản lý thuế 2019) (Ảnh minh họa)
1. Các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt:
Luật Quản lý thuế 2019 quy định có 04 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt:
- Trường hợp 1: Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
- Trường hợp 2: Cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ
- Trường hợp 3: Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế khác mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.
- Trường hợp 4: Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp và đã được gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất, kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Xem chi tiết các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt TẠI ĐÂY.
2. Thẩm quyền quyết định xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp cho tổ chức, cá nhân:
Theo đó, thẩm quyền quyết định cho các đối tượng thuộc diện được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp theo quy định tại Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019 được xác định như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho các đối tượng thuộc Trường hợp 1; Trường hợp 2 và Trường hợp 3 đối với các đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 5.000.000.000 đồng.
- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ đối với đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc Trường hợp 3 có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ đối với đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc Trường hợp 3 có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng.
- Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc Trường hợp 3 có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15.000.000.000 đồng trở lên.
Lưu ý: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo tình hình kết quả xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho Hội đồng nhân dân cùng cấp vào kỳ họp đầu năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp tình hình xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt để Chính phủ báo cáo Quốc hội khi quyết toán ngân sách nhà nước.
3. Thủ tục xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp cho tổ chức, cá nhân
Bước 1: Cơ quan quản lý thuế lập và gửi hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt
Theo quy định tại Điều 86 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế thuộc trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thuộc diện được xóa lập và gửi hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đến cơ quan, người có thẩm quyền.
Hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt bao gồm:
-
Văn bản đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thuộc diện được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt;
-
Quyết định tuyên bố phá sản đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản;
-
Các tài liệu liên quan đến việc đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Bước 2: Cơ quan, người có thẩm quyền tại mục 2. tiếp nhận hồ sơ và gửi thông báo cho cơ quan thuế đã gửi hồ sơ
Cơ quan, người có thẩm quyền đã nhận hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải thông báo cho cơ quan đã gửi hồ sơ để hoàn chỉnh khi hồ sơ chưa đầy đủ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3: Cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt
Người có thẩm quyền phải ra quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt hoặc thông báo không thuộc diện được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho cơ quan đã gửi hồ sơ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Như vậy, tổ chức, cá nhân thuộc diện được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp sẽ được cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế gửi hồ sơ cho cấp có thẩm quyền quyết định việc cho phép xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Thùy Trâm
- Từ khóa:
- Luật Quản lý thuế 2019