Thuế giá trị gia tăng (VAT) có thể được tính theo 02 phương pháp: phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Trong đó, khi tính VAT theo phương pháp khấu trừ cần lưu ý có những trường hợp sau đây sẽ không được khấu trừ.
Sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng trong những trường hợp sau (Ảnh minh họa)
Tại Điều 10 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định phương pháp tính thuế giá trị gia tăng theo phương thức khấu trừ có thể hiểu là việc xác định số thuế phải nộp trên cơ sở số thuế đầu ra trừ đi số thuế đầu vào được khấu trừ.
Công thức tính như sau:
Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Trong đó,
-
Thuế GTGT đầu ra = ∑ Số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT;
-
Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ = ∑ Số thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ; chứng từ nộp thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu.
Cần lưu ý các trường hợp sau đây sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, bao gồm:
1. Hóa đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hóa đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT);
2. Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán;
3. Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua;
4. Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo);
5. Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi.
6. Không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào theo hình thức thanh toán thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên;
7. Thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định, máy móc, thiết bị;
8. Tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ;
9. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT sẽ không được khấu trừ;
10. Số thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa hao hụt vượt định mức;
11. Tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác, giữ các chức vụ quản lý tại Việt Nam, hưởng lương tại Việt Nam theo hợp đồng lao động ký với cơ sở kinh doanh;
12. Hàng hóa xuất khẩu hoặc hàng hóa được coi như xuất khẩu đã có xác nhận của cơ quan Hải quan (đối với hàng hóa xuất khẩu) nhưng không có đủ các thủ tục, hồ sơ khác đối với từng trường hợp cụ thể;
13. Văn phòng Tổng công ty, tập đoàn không trực tiếp hoạt động kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc như: Bệnh viện, Trạm xá, Nhà nghỉ điều dưỡng, Viện, Trường đào tạo... không được khấu trừ GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động của các đơn vị này.
Các trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT nêu trên được quy định cụ thể tại Thông tư 219/2013/TT-BTC, Thông tư 26/2015/TT-BTC, và Thông tư 151/2014/TT-BTC.
Khi tính số tiền thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ điều quan trọng là phải xác định được chính xác số thuế đầu ra và số thuế đầu vào được khấu trừ. Theo công thức tính thuế GTGT, nếu xác định được số thuế đầu vào được khấu trừ càng lớn thì số tiền thuế phải nộp sẽ càng ít đi. Tuy nhiên, khi xác định số thuế đầu vào được khấu trừ cần lưu ý các trường hợp sẽ không được khấu trừ nêu trên để xác định số tiền thuế một cách chính xác.
Thùy Trâm