Quản lý thuế với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuếNghị định 126/2020/NĐ-CP. Trong đó, có hướng dẫn cụ thể về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Quản lý thuế với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam

Quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Theo Điều 73 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định các tổ chức, cá nhân có  liên quan trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam gồm có:

(1) Nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (sau đây gọi là nhà cung cấp ở nước ngoài).

(2) Tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài.

(3) Tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam được nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

(4) Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Về đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử:

Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế lần đầu thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế khi đăng ký giao dịch điện tử, đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau:

- Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet;

- Có địa chỉ thư điện tử để giao dịch với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Lưu ý là nhà cung cấp ở nước ngoài đăng ký một địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả các thông báo trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Sau khi thực hiện thành công thủ tục đăng ký thuế lần đầu, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông tin về tài khoản giao dịch điện tử và mã số thuế vào địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế đã đăng ký để thực hiện các thủ tục về thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Về mã số thuế, mã số thuế đối với trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài trực tiếp hoặc uỷ quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế được thực hiện theo quy định tại Thông tư 105/2020/TT-BTC.

Đăng ký thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài

* Đối với đăng ký thuế lần đầu:

Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký thuế trực tiếp theo Mẫu số 01/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021 trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

* Đối với thay đổi thông tin đăng ký thuế:

Nhà cung cấp ở nước ngoài nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế theo Mẫu số 01-1/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021 cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

(Để xác thực khi đăng ký thuế, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do cơ quan thuế quản lý cấp qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế).

Khai thuế, tính thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài

- Khai thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài là loại thuế khai và nộp theo quý.

- Tờ khai thuế điện tử theo mẫu số 02/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021.

- Nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp tỷ lệ tính trên doanh thu, trong đó:

+ Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng là doanh thu mà nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được.

+ Doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp là doanh thu mà nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được.

- Tỷ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:

+ Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

+ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

+ Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

- Tỷ lệ phần trăm để tính thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu theo quy định sau:

+ Dịch vụ: 5%, riêng dịch vụ quản lý nhà hàng, khách sạn, casino: 10%; trường hợp cung ứng dịch vụ có gắn với hàng hóa thì hàng hóa được tính theo tỷ lệ 1%; trường hợp không tách riêng được giá trị hàng hóa với giá trị dịch vụ là 2%;

+ Cung cấp và phân phối hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms) là 1%;

+ Tiền bản quyền là 10%;

+ Thuê tàu bay (kể cả thuê động cơ, phụ tùng tàu bay), tàu biển là 2%;

+ Thuê giàn khoan, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải (trừ quy định tại Điểm d Khoản này) là 5%;

+ Lãi tiền vay là 5%;

+ Chuyển nhượng chứng khoán, tái bảo hiểm ra nước ngoài là 0,1%;

+ Dịch vụ tài chính phái sinh là 2%;

+ Xây dựng, vận tải và hoạt động khác là 2%.

Trường hợp sau khi hoàn thành thủ tục khai thuế, nộp thuế, nhà cung cấp ở nước ngoài phát hiện có sai, sót thì thực hiện kê khai điều chỉnh số thuế phải nộp phát sinh tại Việt Nam theo Mẫu số 02/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
877 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;