Những nội dung mới luật sửa đổi bổ sung luật thuế thu nhập cá nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, do sự biến động nhanh của nền kinh tế nên một số quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ban hành năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN năm 2007 là sự cần thiết tất yếu để khắc phục những hạn chế tồn tại và nhằm đáp ứng mục tiêu dài hạn là đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và công tác quản lý thuế, tạo điều kiện cho việc hiện đại hoá quản lý thuế; đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập, động viên ổn định một cách hợp lý thu nhập dân cư.

Ngày 03/12/2012, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13 (Luật thuế TNCN 2012) sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 (Luật thuế TNCN 2007). Bài viết này xin tóm tắt các nội dung sửa đổi mới của Luật thuế TNCN sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/07/2013, cụ thể như sau:

1. Thay đổi thời điểm đăng ký kỳ tính thuế cho phù hợp với thực tế phát sinh đối với trường hợp cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. Theo đó, cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán có thể đăng ký kỳ tính thuế theo năm bất kỳ thời điểm nào trong năm. Cụ thể, tại Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 sửa đổi bổ sung Điểm c, Khoản 1, Điều 7 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, theo đó bỏ quy định: “trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế”.

2. Bỏ cụm từ “đối với mọi khoản thu nhập” trong quy định trách nhiệm phải kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế TNCN của cá nhân (tại Điều 1 Luật thuế TNCN 2012 sửa đổi Điều 24 Luật thuế TNCN 2007) nhằm phù hợp với các quy định liên quan kể cả trường hợp nếu có phát sinh thay đổi sau này.

3. Tại Điều 1 Luật thuế TNCN 2012 sửa đổi Khoản 1, Điều 19 Luật thuế TNCN 2007 bổ sung quy định: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.” Quy định này được xây dựng trên cơ sở tham khảo kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kết hợp nhiều yếu tố như yêu cầu động viên vào ngân sách, chế độ an sinh xã hội, khả năng, thu nhập và mức sống dân cư. Vì vậy, Luật thuế TNCN sửa đổi góp phần tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với nước ta, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế.

4. Tại Điều 1 Luật thuế TNCN 2012 sửa đổi Khoản 1, Điều 19 Luật thuế TNCN 2007: Tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế từ mức giảm trừ 4 triệu đồng/ tháng (48 triệu đồng/năm) lên mức giảm trừ là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); Tăng mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc từ mức giảm trừ là 1.6 triệu đồng/tháng lên mức là 3,6 triệu đồng/tháng sẽ làm giảm thu NSNN, thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm thay đổi một số mục tiêu ban đầu của việc ban hành Luật về nguồn thu tuy nhiên Luật thuế TNCN sửa đổi nhằm đảm bảo công bằng khuyến khích, thu hút chuyên gia, lao động giỏi có thu nhập cao vào Việt Nam làm việc; tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế; phù hợp với mức thu nhập bị đánh thuế trong khu vực và quốc tế.

Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh nhằm chia sẻ khó khăn, động viên, hỗ trợ người hưởng lương có thêm thu nhập, góp phần kích cầu tiêu dùng. Luật thuế TNCN trở nên phù hợp hơn với thực tế đồng thời phát huy rõ hơn tính hiệu lực và hiệu quả do thuế TNCN khoan sức dân, thu đối với các cá nhân có mức thu nhập tương đối cao và từ đó kích thích sức mua cho nền kinh tế, nâng cao đời sống của người nộp thuế, khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng và tạo công bằng trong xã hội.

5. Quy định về các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm các khoản phụ cấp trợ cấp mang tính đặc thù, được phân biệt rõ ràng hơn các khoản phụ cấp trợ cấp tương ứng và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan như: pháp luật về bảo hiểm xã hội, theo quy định của Bộ luật lao động hoặc theo quy định của Chính phủ nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Mặc khác, quy định như vậy là để có cơ sở pháp lý trong thực hiện đối với các khoản phụ cấp, trợ cấp có thể sẽ phát sinh sau này do các Luật chuyên ngành khác có quy định. Cụ thể:

Tại Điều 1 Luật thuế TNCN 2012 sửa đổi bổ sung Khoản 2, Điều 3 Luật thuế TNCN 2007:

“b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.”

6. Bao quát hơn về nguồn thu đối với thu nhập nhận được từ chuyển nhượng bất động sản của cá nhân dưới mọi hình thức bao gồm các trường hợp mới phát sinh theo quy định của pháp luật liên quan mới sửa đổi, bổ sung; quy định về thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, các trường hợp uỷ quyền chuyển nhượng nhà, đất mà người uỷ quyền có đầy đủ các quyền về nhà, đất, trường hợp đổi nhà, đổi đất có phát sinh thu nhập. Cụ thể:

Tại Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 sửa đổi bổ sung Khoản 5, Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007:

"5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:

d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức."

7. Bổ sung “tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng” vào thu nhập được miễn thuế TNCN, không tính vào thu nhập tính thuế nhằm để phù hợp với thực tế và nâng cao hiệu lực hiệu quả của Luật thuế TNCN. Cụ thể:

Tại Điều 1 Luật thuế TNCN 2012 sửa đổi Khoản 10, Điều 4 Luật thuế TNCN 2007: “10. Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả; tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng.”

Và tại Khoản 5 Điều 1 Luật thuế TNCN 2012 sửa đổi Khoản 1 Điều 21 Luật thuế TNCN 2007: “1. Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật này, trừ các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, các khoản giảm trừ quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này.

Chính phủ quy định mức tối đa được trừ đối với khoản đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện quy định tại khoản này.”

Luật thuế TNCN 2012 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2013./.

Nguồn: khanhhoa.gdt.gov.vn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
775 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;