Cho tôi hỏi, pháp luật hiện nay quy định như thế nào về hình thức xử phạt và mức xử phạt đối với hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán? Liệu hành vi này có bị ngồi tù hay không? Đây là câu hỏi của anh Nguyễn Ngọc Linh ở Thành phố Hồ Chí Minh gửi cho Thư Ký Luật nhờ tư vấn ngày 01/6/2020.
Mức phạt đối với hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán - Ảnh minh họa
Về vấn đề của anh Linh, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT có giải đáp như sau:
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP thì hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Cụ thể, Khoản 3 Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm về chứng từ kế toán như sau:
Điều 8. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chứng từ kế toán
…
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
d) Không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
đ) Lập nhiều lần chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
e) Thực hiện chi tiền khi chứng từ chi tiền chưa có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kế toán.
Bên cạnh bị phạt tiền thì đối với hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán sẽ bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy các chứng từ kế toán bị khai man, giả mạo.
Đặc biệt, nghiêm trọng hơn, hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:
Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;
b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Nguyễn Trinh
- Từ khóa:
- Nghị định 41/2018/NĐ-CP