Hiện nay, Chính phủ vẫn đang trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến đóng góp cho một số Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Trong đó phải kể đến Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. (Gọi tắt là Dự thảo Thông tư).
Những đề xuất được nêu ra tại Dự thảo Thông tư được điều chỉnh dựa trên những quy định hiện hành còn bất cập tại Quyết định 1096/2004/QĐ-NHNN, Quyết định 30/2008/QĐ-NHNN, Thông tư 24/2011/TT-NHNN, Thông tư 14/2016/TT-NHNN và Công văn 676/NHNN-CSTT.
Theo quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng, Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng thông qua việc mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
Khái niệm này được Dự thảo Thông tư giữ nguyên và nhắc lại. Tuy nhiên trong trường hợp đơn vị bao thanh toán Việt Nam tham gia bao thanh toán có nguồn gốc từ nước ngoài thông qua việc cung cấp một hoặc một số dịch vụ (quản lý, theo dõi sổ sách khoản phải thu, thu hồi nợ, đảm bảo rủi ro tín dụng) thì việc cung cấp những dịch vụ đó không phải tuân theo sự điều chỉnh của Thông tư về hoạt động bao thanh toán mà chịu sự điều chỉnh của các quy định liên quan đối với những hoạt động này. Do đó, tại Khoản 2 Điều 1 Dự thảo Thông tư quy định rõ: “Việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hoạt động bao thanh toán với đơn vị bao thanh toán nước ngoài và không ứng tiền được thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật và tập quán thương mại quốc tế do Phòng thương mại quốc tế ban hành, tập quán thương mại khác không trái với pháp luật của Việt Nam”.
Đối với các trường hợp không được bao thanh toán, Dự thảo Thông tư liệt kê tại Khoản 2 Điều 4 như sau:
a) Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bị pháp luật cấm hoặc đang có tranh chấp;
b) Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn thanh toán còn lại dài hơn 180 ngày;
c) Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng;
d) Phát sinh từ hợp đồng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam;
đ) Đã được bao thanh toán hoặc đã được sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ khác;
e) Đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
So với Quyết định 1096, Dự thảo Thông tư đã bỏ đi quy định: "Những khoản phải thu không được thực hiện bao thanh toán: Phát sinh từ các hợp đồng bán hàng dưới hình thức ký gửi;...” vì hợp đồng ký gửi không phải hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Đồng thời, gộp khoản 1, 2, 3 Điều 19 Quyết định 1096 thành Điểm a khoản 2 Điều 4 Dự thảo Thông tư.
Đối với hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng, Quyết định 1096 không cho phép thực hiện bao thanh toán đối với lĩnh vực này do những khoản phải thu trong lĩnh vực này thường có thời gian dài và không đúng với bản chất của hoạt động bao thanh toán giúp hỗ trợ nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp. Dự thảo Thông tư bỏ nội dung các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bao thanh toán trên các khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng và quy định thành khoản phải thu và khoản phải trả phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn thanh toán còn lại dài hơn 180 ngày không được bao thanh toán. Và có thể hiểu rằng những khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng có thời hạn quá 180 ngày sẽ không được bao thanh toán.
Đối với các khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng theo phụ lục đính kèm tại Quyết định 1096 (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 30), Dự thảo Thông tư dẫn chiếu lĩnh vực xây dựng quy định của Thủ tướng Chính phủ về Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam) để xác định cụ thể những dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng không được bao thanh toán.