Ngày 01/07/2020, Luật Quản lý thuế 2019 chính thức có hiệu lực, quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Theo đó, Luật Quản lý thuế 2019 có một số quy định quan trọng sau cần lưu ý.
- Hướng dẫn trình tự, thủ tục khoanh nợ đối với trường hợp được khoanh tiền thuế nợ
- Thủ tục xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp (theo Luật Quản lý thuế 2019)
- Cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh
Luật Quản lý thuế 2019: Một số quy định quan trọng cần lưu ý (Ảnh minh họa)
1. Bổ sung quyền của Người nộp thuế
Theo quy định tại Điều 16 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế được bổ sung thêm các quyền sau đây:
- Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
- Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.
- Được nhận quyết định xử lý về thuế, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, được yêu cầu giải thích nội dung quyết định xử lý về thuế;
- Không bị xử phạt VPHC về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
2. Kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Nếu theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Quản lý thuế 2006 thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính thì quy định mới tại điểm b khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế. Như vậy, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân đã được kéo dài ra khoảng 1 tháng.
3. Rút ngắn thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế
Theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý thuế 2019, Giấy chứng nhận đăng ký thuế được cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế. Trường hợp bị mất, rách, nát, cháy thì cơ quan thuế cấp lại trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Theo đó, thời hạn này đã được rút ngắn, bởi theo quy định tại Điều 26 Luật Quản lý thuế 2006 thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thuế hợp lệ. Trường hợp bị mất hoặc hư hỏng, cơ quan thuế cấp lại trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người nộp thuế.
4. Không còn quy định về thời hạn đăng ký thuế
Cụ thể, tại Điều 30 Luật Quản lý thuế 2019 quy định, người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Như vậy, người nộp thuế chỉ cần đăng ký thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ không phải bắt buộc đăng ký trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày được cấp GCN đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đầu tư như quy định tại Điều 22 Luật Quản lý thuế 2006.
5. Luật hóa quy định về hóa đơn điện tử
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật Quản lý thuế 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2022. Theo đó, nếu trước đây quy định về hóa đơn điện tử được quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP và một số văn bản liên quan dưới luật thì tại Luật Quản lý thuế 2019 đã có Chương riêng (Chương X) quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022.
Trên đây là một số nội dung nổi bật được sửa đổi, bổ sung thẩm chí là lần đầu tiên được ghi nhận tại Luật Quản lý thuế 2019. THƯ KÝ LUẬT xin gửi đến Quý khách hàng và Thành viên để có thêm những thông tin hữu ích về những điểm mới của Luật Quản lý thuế 2019.
Thùy Trâm
- Từ khóa:
- Luật Quản lý thuế 2019