Một số quy định mới về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và hoạt động quản lý về thuế được đề cập tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP do Chính phủ ban hành có hiệu lực áp dụng từ 01/7/2016 góp phần đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong kê khai, nộp và quyết toán thuế theo quy định của Pháp luật.
Đối tượng không chịu thuế
Nghị định 100 sửa đổi, bổ sung về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế như sau:
- Sản phẩm qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác;
- Dịch vụ khám, chữa bệnh bao gồm cả vận chuyển, xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh;
- Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật bao gồm cả chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật;
- Vận chuyển hành khách công cộng gồm vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện (bao gồm cả tàu điện) theo các tuyến trong nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh theo quy định của pháp luật về giao thông;
- Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên.
Không áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%
Các trường hợp không áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% được sửa đổi tại Nghị định 100 bao gồm:
- Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài;
- Dịch vụ ra nước ngoài như: tái bảo hiểm, cấp tín dụng, chuyển nhượng vốn, đầu tư chứng khoán,
- Dịch vụ tài chính phái sinh;
- Dịch vụ bưu chính, viễn thông;
- Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên; khí than.
- Hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan;
- Thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu.
Hoàn thuế giá trị gia tăng
Theo đó, cơ sở kinh doanh được hoàn thuế đối với dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ 01 năm trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo từng năm. Mặt khác, nếu số thuế giá trị gia tăng lũy kế của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng cơ sở kinh doanh chưa được cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì sẽ không được hoàn thuế giá trị gia tăng mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo
Xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt
Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường thì cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế. Theo đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau:
Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt
=
Giá bán chưa có thuế
giá trị gia tăng-
Thuế bảo vệ môi trường
(nếu có)1 + Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt
Giảm mức phạt chậm nộp thuế xuống còn 0,03%/ngày
Quy định đối với người nộp thuế chậm nộp tiền thuế được sửa đổi như sau: Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp khác với mức quy định cũ là 0,05%/ngày.
Ngoài ra, trong thời gian nộp dần tiền thuế nợ, người nộp thuế vẫn phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp.
Đặc biệt, đối với người nộp thuế bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ không có khả năng nộp thuế theo quy định của pháp luật thì Nhà nước có chính sách miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế đó và hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống thì cũng được miễn thuế.
So với quy định trước đây thì với những điểm mới được đề cập trong Nghị định 100/2016/NĐ-CP phần nào đã tạo nên hành lang pháp lý minh bạch và công bằng cho chính sách thuế Nhà nước, tạo ra những thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định ngân sách nhà nước.
- Từ khóa:
- Nghị định 100/2016/NĐ-CP
- Thuế