Câu trả lời là: Không. Song hướng đến mục tiêu năm 2020, có khoảng 90% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử hay 90% lượng hàng hóa được mua bán bằng hóa đơn điện tử thì hiện nay việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy đang được khuyến khích áp dụng.
Thực tiễn việc sử dụng, quản lý hóa đơn giấy vẫn còn những hạn chế, có không ít đối tượng lợi dụng kẽ hở của Luật Doanh nghiệp để thành lập nhiều doanh nghiệp “ảo” để xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn “không hợp pháp” để khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng hoặc thanh toán tiền từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, lợi dụng quy định không bắt buộc chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế, nên nhiều đối tượng đã phát hành hóa đơn nhưng lại không kê khai nộp thuế nhằm mục đích trốn thuế. Trước thực trạng này, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP một phần vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế, một phần để chống thất thu ngân sách, chống gian lận trong thanh toán từ ngân sách Nhà nước.
Ngày 25/4/2017 Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP.
Theo đánh giá kết quả sử dụng hóa đơn điện tử của Bộ Tài chính:
- Việc áp dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp được đánh giá là mang lại kết quả tốt, được khách hàng chấp thuận, mang lại hiệu quả thiết thực về thời gian và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp; qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý kinh doanh, hạch toán kế toán nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Về phía khách hàng: thói quen sử dụng hóa đơn giấy của khách hàng đã dần thay đổi, khách hàng đã hợp tác hơn với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Việc sử dụng hóa đơn điện tử đã giúp khách hàng thuận tiện trọng thanh toán, khách hàng có thể truy cập vào Website của bên bán để xem và tải hóa đơn khi cần do đó khách hàng không phải lưu trữ, bảo quản hóa đơn, tránh rủi ro mất hóa đơn và tiết kiệm được chi phí do không phải in ra giấy.
Theo nội dung của Dự thảo Nghị định, lộ trình sử dụng hóa đơn điện tử như sau:
Từ ngày 01/01/2018 các đối tượng sau sử dụng hóa đơn điện tử/hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
- Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử kể từ khi có mã số thuế và định kỳ thực hiện kết chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
- Các đơn vị sự nghiệp công lập có sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Doanh nghiệp, Ngân hàng có mức vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn, bao gồm cả Chi nhánh, đơn vị trực thuộc khác tỉnh, thành phố với trụ sở chính có thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT.
- Các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế gồm:
- Doanh nghiệp mới thành lập (không phải là doanh nghiệp nêu trên);
- Các doanh nghiệp, tổ chức đang mua hóa đơn của cơ quan thuế gồm: Doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; doanh nghiệp có rủi ro theo thông báo của cơ quan thuế và tổ chức, doanh nghiệp khác thuộc đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 01/01/2018 phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo Thông báo của cơ quan thuế.
Từ ngày 01/01/2019: 30% các tổ chức, doanh nghiệp còn lại.
Từ ngày 01/01/2020:
- 80% các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
- Bắt đầu triển khai hóa đơn điện tử cho các hộ kinh doanh có doanh thu/năm từ 3 tỷ trở lên.