Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân ngày 02/6/2020, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
- File Excel tính thuế TNCN theo mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng
- Khi nào áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới đối với thuế TNCN?
- Chính thức tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN lên 11 triệu đồng/tháng
Chính thức giảm thuế thu nhập cá nhân từ kỳ tính thuế năm 2020 - Ảnh minh họa
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 cụ thể như sau:
-
Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) (Theo quy định hiện hành là 09 triệu đồng/tháng, tương đương 108 triệu đồng/năm);
-
Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng (Theo quy định hiện hành là 3,6 triệu đồng/tháng).
Ngoài ra, cách tính thuế vẫn được áp dụng theo Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi, bổ sung các năm 2012, 2014, 2020) và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tuy cách tính thuế TNCN không thay đổi nhưng với mức giảm trừ mới cao hơn thì người nộp thuế sẽ đóng mức thuế TNCN thấp hơn so với các năm trước, thậm chí nhiều người sẽ không cần phải nộp thuế TNCN.
Ví dụ: Ông A là cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng là 17 triệu đồng. Ông A phải nuôi 01 con dưới 18 tuổi; trong tháng ông phải nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc là: 8% bảo hiểm xã hội, 1% bảo hiểm thất nghiệp, 1,5% bảo hiểm y tế trên tiền lương; trong tháng ông A không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
Trường hợp 1: Theo quy định hiện hành áp dụng cho các kỳ tính thuế trước năm 2020 và tạm nộp trước 01/7/2020
Thuế thu nhập cá nhân ông A tạm nộp trong tháng được xác định như sau:
- Ông A được giảm trừ khỏi thu nhập chịu thuế các khoản sau:
+ Cho bản thân là: 09 triệu đồng;
+ Cho 01 người phụ thuộc (1 con) là: 3,6 triệu đồng;
+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là: 17 triệu đồng x 10,5% = 1,785 triệu đồng
Tổng cộng các khoản được giảm trừ là: 9 triệu đồng + 3,6 triệu đồng + 1,785 triệu đồng = 14,385 triệu đồng.
- Thu nhập tính thuế áp vào biểu thuế luỹ tiến từng phần để tính số thuế phải nộp là: 17 triệu đồng – 14,385 triệu đồng = 2,615 triệu đồng.
- Như vậy, sau khi giảm trừ các khoản theo quy định, thu nhập tính thuế của ông A được xác định thuộc bậc 1 của biểu lũy tiến từng phần, theo đó, số thuế TNCN ông A phải nộp là: 2,615 triệu đồng x 5% = 0,13075 triệu đồng (tức 130.750 đồng).
Trường hợp 2: Theo quy định mới từ 01/7/2020, áp dụng cho các kỳ tính thuế bắt đầu từ năm 2020
Thuế thu nhập cá nhân ông A tạm nộp trong tháng được xác định như sau:
- Ông A được giảm trừ khỏi thu nhập chịu thuế các khoản sau:
+ Cho bản thân là: 11 triệu đồng;
+ Cho 01 người phụ thuộc (1 con) là: 4,4 triệu đồng;
+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là: 17 triệu đồng x 10,5% = 1,785 triệu đồng
Tổng cộng các khoản được giảm trừ là: 11 triệu đồng + 4,4 triệu đồng + 1,785 triệu đồng = 17,185 triệu đồng
- Thu nhập tính thuế áp vào biểu thuế luỹ tiến từng phần để tính số thuế phải nộp là: 17 triệu đồng – 17,185 triệu đồng = - 0,815 triệu đồng.
- Như vậy, sau khi giảm trừ các khoản theo quy định, thu nhập tính thuế của ông A nhỏ hơn 0 nên ông A không cần phải đóng thuế TNCN.
Theo ví dụ trên, trường hợp ông A có thu nhập 17 triệu đồng/tháng, trước ngày 01/7/2020 ông là đối tượng phải đóng thuế TNCN, nhưng từ ngày 01/7/2020 trở đi, ông A không cần phải đóng thuế TNCN nữa.
Vì mức giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020, nên các khoản tạm nộp thuế TNCN trong năm 2020 sẽ được hoàn lại (toàn bộ hoặc một phần) cho người nộp thuế.
Hải Thanh