Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về chinh sách chi trả dịch vụ môi trường rừng quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010.
Điểm đáng lưu ý trong Nghị định 147 so với Nghị định 99 là Chính phủ đã điều chỉnh tăng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cụ thể:
- Đối với các cơ sở sản xuất thủy điện: Mức chi trả tiền dịch vụ từ 20 đồng/kwh tăng lên thành 36 đồng/kwh. Sản lượng điện để tính tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là sản lượng điện của các cơ sở sản xuất thủy điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện. Số tiền phải chi trả DVMTR trong kỳ hạn thanh toán được xác định bằng sản lượng điện trong kỳ hạn thanh toán (kWh) nhân với mức chi trả DVMTR tính trên 1kWh (36 đồng/kWh).
- Đối với cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch: Mức chi trả tiền dịch vụ từ 40 đồng/m3 tăng lên thành 52 đồng/m3. Sản lượng nước để tính tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là sản lượng nước của các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch bán cho người tiêu dùng. Số tiền phải chi trả DVMTR trong kỳ hạn thanh toán được xác định bằng sản lượng nước thương phẩm trong kỳ hạn thanh toán (m3) nhân với mức chi trả DVMTR tính trên 1m3 nước thương phẩm (52 đồng/m3).
Thêm vào đó, Nghị định 147 còn sửa đổi bổ sung thêm quy định về việc sử dụng tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh. Theo đó, phần kinh phí trích không quá 5% so với tổng số tiền ủy thác chuyển về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, cộng với các nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài việc dự phòng, hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài trong trường hợp có thiên tai, khô hạn còn được sử dụng trong trường hợp mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên cùng một đơn vị diện tích thấp hơn mức chi trả của năm trước liền kề.
Đối với diện tích rừng có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh sẽ đưa ra quyết định với mức điều tiết phù hợp.
Đối với số tiền còn lại dùng để chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng, Nghị định 147 quy định:
Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng ổn định lâu dài; chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tự đầu tư vốn trồng rừng trên đất lâm nghiệp thì được hưởng 100% số còn lại trên;
Chủ rừng là tổ chức được coi là nguồn thu của chủ rừng và được quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật về tài chính phù hợp đối với từng loại hình tổ chức. Trường hợp chủ rừng có thực hiện khoán bảo vệ rừng, chủ rừng được sử dụng không quá 10% tổng số tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng trên diện tích khoán bảo vệ rừng để thực hiện công tác quản lý, tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục môi trường; số tiền còn lại phải thanh toán cho hộ nhận khoán.
Những nôi dung được điều chỉnh nêu trên được áp dụng thực hiện kể từ ngày 01/01/2017.