Quy chuẩn quốc gia về đặc tính kỹ thuật mật mã sử dụng trong các sản phẩm mật mã dân sự

Quy chuẩn quốc gia về đặc tính kỹ thuật mật mã sử dụng trong các sản phẩm mật mã dân sự
Lê Trương Quốc Đạt

Ngày 29/11/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 96/2023/TT-BQP Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính kỹ thuật mật mã sử dụng trong các sản phẩm mật mã dân sự thuộc nhóm sản phẩm bảo mật dữ liệu lưu giữ (QCVN 15:2023/BQP).

Quy chuẩn quốc gia về đặc tính kỹ thuật mật mã sử dụng trong các sản phẩm mật mã dân sự

Theo đó, trong QCVN 15:2023/BQP thì các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước là thông tin không thuộc nội dung tin “tuyệt mật”, “tối mật” và “mật” được quy định tại Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.

- Mật mã là những quy tắc, quy ước riêng dùng để thay đổi hình thức biểu hiện thông tin nhằm bảo đảm bí mật, xác thực, toàn vẹn của nội dung thông tin.

- Mật mã dân sự là kỹ thuật mật mã và sản phẩm mật mã được sử dụng để bảo mật hoặc xác thực đối với thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

- Sản phẩm mật mã dân sự là các tài liệu, trang thiết bị kỹ thuật và nghiệp vụ mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

- Sản phẩm bảo mật dữ liệu lưu giữ là sản phẩm mật mã dân sự sử dụng các thuật toán mật mã, kỹ thuật mật mã để bảo vệ dữ liệu lưu giữ trên thiết bị.

- Dữ liệu lưu giữ: Dữ liệu (thông tin) được lưu giữ (ghi) trong một phương tiện lưu trữ.

- Kỹ thuật mật mã là phương pháp, phương tiện có ứng dụng mật mã để bảo vệ thông tin.

- Mã hóa là quá trình dùng kỹ thuật mật mã để thay đổi hình thức biểu hiện thông tin.

- Giải mã là phép biến đổi ngược của quá trình mã hóa tương ứng.

- Khóa là dãy ký tự điều khiển hoạt động của biến đổi mật mã.

- Mật mã đối xứng là mật mã trong đó khóa được sử dụng cho các phép mã hóa, giải mã là trùng nhau hoặc dễ dàng tính toán được khóa mã hóa khi biết khóa giải mã và ngược lại.

- Mật mã phi đối xứng là mật mã trong đó khóa được sử dụng cho phép mã hóa hoặc giải mã gồm hai thành phần là khóa công khai và khóa riêng với đặc tính có thể dễ dàng tính toán được khóa công khai nếu biết khóa riêng nhưng không khả thi về mặt tính toán để tính được khóa riêng từ khóa công khai.

- Thuật toán băm là thuật toán thực hiện quá trình biến đổi chuỗi dữ liệu đầu vào có độ dài bất kỳ thành một chuỗi dữ liệu đầu ra đặc trưng có độ dài cố định.

- Thuật toán xác thực thông điệp là thuật toán biến đổi các chuỗi dữ liệu đầu vào và khóa bí mật thành các chuỗi dữ liệu đầu ra có độ dài cố định thỏa mãn các tính chất sau đây:

+ Dễ dàng tính toán với bất kỳ khóa và chuỗi dữ liệu đầu vào nào;

+ Với khóa cố định bất kỳ và không biết trước khóa, bằng tính toán không thể tính được giá trị chuỗi dữ liệu đầu ra với bất kỳ chuỗi dữ liệu đầu vào mới nào.

- Mã HS là mã phân loại của hàng hóa, dùng để xác định thuế suất xuất nhập khẩu hàng hóa và các nghĩa vụ khác.

Xem thêm Thông tư 96/2023/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 15/01/2024.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

261 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;