- Tăng giá tính lệ phí trước bạ nhiều xe máy từ 24/5/2017
Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 942/QĐ-BTC sửa đổi, bổ sung Bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy ban hành kèm theo Thông tư 304/2016/TT-BTC.
Theo đó, từ 24/5/2017 tăng giá tính lệ phí trước bạ của một số xe máy sau:
- HONDA JF63 AIR BLADE (124,9cm3): Từ 38 triệu đồng tăng lên thành 45 triệu đồng;
- HONDA JF513 SH MODE (124,9cm3): Từ 51 triệu đồng tăng lên thành 63 triệu đồng;
- HONDA KF251 SH150i (153cm3): Từ 90 triệu đồng tăng lên thành 114 triệu đồng;
- HONDA KF250 SH150i SH150i (153cm3): Từ 82 triệu đồng tăng lên thành 101 triệu đồng;
- HONDA JF581 VISION (108,2cm3): Từ 29,9 triệu đồng tăng lên thành 36,6 triệu đồng;
- YAMAHA JANUS-BJ71 (124.9cm3): Từ 26,2 triệu đồng tăng lên thành 28 triệu đồng.
Đồng thời, bổ sung thêm bảng giá tính lệ phí trước bạ của hơn 150 loại xe máy thuộc nhiều nhãn hiệu khác nhau.
- Khung giá tính thuế tài nguyên khoáng sản kim loại
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 44/2017/TT-BTC về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau.
Theo đó, quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại như sau:
- Sắt kim loại (tấn): Tối thiểu là 8 triệu đồng, tối đa là 10 triệu đồng;
- Chì, kẽm kim loại (tấn): Tối thiểu là 37 triệu đồng, tối đa là 45 triệu đồng;
- Vàng kim loại (kg): Tối thiểu là 750 triệu đồng, tối đa là 1 tỷ đồng;
- Bạc kim loại (kg): Tối thiểu là 16 triệu đồng, tối đa là 19,2 triệu đồng.
Ngoài ra, ban hành kèm theo Thông tư còn có các khung giá tính thuế tài nguyên đối với các nhóm, loại tài nguyên sau:
- Khoáng sản không kim loại;
- Sản phẩm của rừng tự nhiên;
- Hải sản tự nhiên;
- Nước thiên nhiên;
- Yến sào thiên nhiên.
Xem chi tiết giá tính thuế tài nguyên tại các Phụ lục đính kèm Thông tư 44/2017/TT-BTC có hiệu lực từ 01/7/2017.
- Bộ Tài chính công bố phí thẩm định phương án cải tạo môi trường
Thông tư 35/2017/TT-BTC (có hiệu lực từ 10/6/2017) quy định về mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan Trung ương thực hiện thẩm định theo Điều 7 Nghị định 19/2015/NĐ-CP.
Theo đó, quy định mức thu phí thẩm định đối với các dự án có phương án cải tạo, phục hồi và báo cáo đánh giá tác động môi trường không cùng một cơ quan thẩm quyền phê duyệt (trường hợp I) và cùng một cơ quan thẩm quyền phê duyệt (trường hợp II). Đơn cử:
- Dự án có tổng vốn đầu tư đến 10 tỷ đồng: Phí thẩm định là 6 triệu đồng (trường hợp I) và 4 triệu đồng (trường hợp II);
- Dự án có tổng vốn đầu tư trên 10 đến 20 tỷ đồng: Phí thẩm định là 9 triệu đồng (trường hợp I) và 6 triệu đồng (trường hợp II);
Như vậy, mức thu phí thẩm định trường hợp I nhiều hơn gấp 1,5 lần mức thu phí thẩm định ở trường hợp II.
- Chi phí hợp lý tính vào giá DV xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Ngày 15/5/2017, Bộ Xây dựng ký ban hành Thông tư 07/2017/TT-BXD (có hiệu lực từ ngày 01/7/2017) hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo đó, giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được xác định theo tổng chi phí hợp lý của các yếu tố sau:
- Chi phí vật tư trực tiếp: Chi phí của các vật tư sử dụng trực tiếp vào quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
- Chi phí nhân công trực tiếp, gồm: tiền lương, tiền công, phụ cấp; BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí công đoàn,… trả cho công nhân trực tiếp xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
- Chi phí máy, thiết bị trực tiếp: Các chi phí liên quan đến giá máy, thiết bị, chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao máy, thiết bị;
- Chi phí sản xuất chung, gồm các khoản chi phí sản xuất gián tiếp (ngoài chi phí trực tiếp nêu trên) phát sinh tại cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt như bảo dưỡng, sửa chữa máy; khấu hao; chi phí vật liệu, dụng cụ, công cụ tại phân xưởng;…
- Chi phí quản lý doanh nghiệp: Khoản chi phí chi cho bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp.
- Hướng dẫn tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng
Theo Thông tư 08/2017/TT-BXD, chất thải rắn phát sinh trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình phải sẽ được tái chế, tái sử dụng theo các mục đích chủ yếu sau:
- Chất thải rắn xây dựng (CTRXD) có dạng bê tông và gạch vụn: Tái chế thành cốt liệu thô, sử dụng làm vật liệu sản xuất gạch, tấm tường, gạch lát nền, các sản phẩm vật liệu xây dựng khác hoặc san nền;
- CTRXD như gỗ, giấy: Tái chế làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, gỗ và nhiên liệu đốt;
- CTRXD là vật liệu hỗn hợp nhựa đường: Tái chế thành vật liệu bê tông nhựa (dạng cốt liệu);
- Phế liệu là thép và các vật liệu kim loại khác: Trực tiếp tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu cho ngành luyện kim;
- CTRXD khác: Tùy theo tính chất và đặc điểm (thành phần) mà được tái sử dụng, tái chế theo mục đích sử dụng phù hợp.
Thông tư 08/2017/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/7/2017.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của
LawNet.
Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn