-
Bổ sung đối tượng được tham gia BHYT theo diện hộ gia đình
Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế.
Theo đó, Nghị định 146 bổ sung thêm các đối tượng dưới đây được tham vào nhóm bảo hiểm y tế theo hộ gia đình ( bên cạnh những người có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo như quy định hiện hành):
- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
- Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng thuộc các nhóm quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 của Nghị định 146 mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Đồng thời, Nghị định 146 còn bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng gồm:
- Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội;
- Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân;
- Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
Chi tiết xem thêm Nghị định 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2018.
-
Một số nội dung cần lưu ý trong hợp đồng lao động từ 15/12/2018
Chính phủ ban hành Nghị định 148/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động, chính thức áp dụng từ ngày 15/12/2018.
Theo quy định mới nội dung hợp đồng lao động được ký kết ưu tiên theo sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể là các nội dung như:
- Chế độ nâng bậc, nâng lương: Theo nội dung thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức tiền lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thỏa thuận thực hiện theo quy chế của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Theo nội dung thỏa thuận của hai bên hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy chế của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và theo quy định của pháp luật;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động: Theo nội quy lao động, quy chế của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
-
Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND một lần vào cuối năm 2018
Theo Hướng dẫn 321/HD-UBTVQH14 của UBTVQH về hướng dẫn công tác tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021:
- Trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2018;
- Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Điều 9 của Nghị quyết 85/2014/QH13.
- Riêng đối với HĐND cấp xã do không thành lập Tổ đại biểu HĐND thì trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND cấp xã quyết định việc phân chia thành các Tổ để các đại biểu HĐND trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Chi tiết xem thêm Hướng dẫn 321/HD-UBTVQH14 có hiệu lực từ ngày 02/10/2018.
-
Ban hành quy tắc đạo đức hành nghề đấu giá viên
Thông tư 14/2018/TT-BTP về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên vừa được Bộ Tư pháp ban hành ngày 16/10/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 12/12/2018.
Theo đó, nghiêm cấm đấu giá viên có các hành vi vi phạm sau:
- Thông đồng, móc nối, nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người tham gia đấu giá để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
- Tiết lộ thông tin mà mình biết được về người tham gia đấu giá, giá mà người tham gia đấu giá đã trả trước khi công bố kết quả đấu giá trong trường hợp cuộc đấu giá được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp;
- Phân biệt, đối xử mang tính cá nhân đối với những người đang tập sự hành nghề đấu giá mà mình hướng dẫn;
- Đòi hỏi lợi ích vật chất, tinh thần từ người tập sự hành nghề đấu giá.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của
LawNet.
Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn