-
Điểm mới Quy chế thi THPT quốc gia năm 2018
Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT với một số điểm mới đáng chú ý như sau:
- Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do không yêu cầu bản sao Giấy khai sinh và Giấy xác nhận của UBND nơi cư trú (đối với thí sinh chưa tốt nghiệp THPT không đủ điều kiện dự thi các năm trước do hạnh kiểm lớp 12 xếp loại yếu);
- Tổng điểm toàn bài có điểm lẻ thì được làm tròn đến 2 chữ số thập phân;
- Bỏ cộng điểm ưu tiên (diện 2, diện 3) cho các đối tượng là thí sinh ở thôn đặc biệt khó khăn, người hưởng chính sách như bệnh binh;
- Bỏ quy định tước quyền nhập học và tước quyền tham dự kỳ thi trong 02 năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm, thay vào đó là hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Chi tiết xem tại Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2018.
-
Tài khoản mạng xã hội phải được lưu trữ trên hệ thống ít nhất 02 năm
Đây là điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4/2018.
Theo đó, hệ thống thiết bị kỹ thuật đối với mạng xã hội phải được thiết lập đáp ứng các yêu cầu sau:
- Lưu trữ tối thiểu 02 năm đối với các thông tin về tài Khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP của người sử dụng và nhật ký xử lý thông tin được đăng tải;
- Có khả năng phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng;
- Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam;
- Lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng như: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số CMND/ thẻ CCCD/ hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số điện thoại và địa chỉ email;
- Gửi tin nhắn xác thực qua số điện thoại hoặc thư điện tử cho người dùng khi đăng ký sử dụng dịch vụ hoặc thay đổi thông tin cá nhân;
- Có bộ lộc cảnh báo thành viên khi đăng thông tin có nội dung vi phạm.
-
Cho nghe nội dung ghi âm lấy lời khai pháp nhân phạm tội tại phiên tòa
Thông tư liên tịch 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Theo đó, tại giai đoạn xét xử vụ án, kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh về việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội sẽ được Hội đồng xét xử đưa ra công khai cho nghe, xem tại phiên tòa trong 03 trường hợp sau:
- Để kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án mà Hội đồng xét xử thấy cần thiết phải kiểm tra công khai tại phiên tòa;
- Bị cáo tố cáo bị bức cung, nhục hình trong quá trình hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội hoặc bị cáo, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội thay đổi lời khai;
- Kiểm sát viên, Điều tra viên và những người tiến hành tố tụng khác có đề nghị.
Thông tư liên tịch 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP có hiệu lực từ ngày 18/3/2018.
-
Danh sách huyện nghèo và huyện thoát nghèo (2018 - 2020)
Ngày 07/3/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 275/QĐ-TTg kèm theo Danh sách huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020 thuộc 29 tỉnh. Cụ thể:
- Nhóm 1: Gồm 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh đang được hỗ trợ áp dụng chính sách tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008;
- Nhóm 2: Gồm 29 huyện thuộc 18 tỉnh được xét bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020;
- Nhóm 3: Gồm 08 huyện thuộc 06 tỉnh được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020.
Chi tiết Danh sách xem tại Quyết định 275/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của
LawNet.
Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn