-
Nhiều điểm mới trong hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan
Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan với nhiều điểm mới. Đáng chú ý là thành phần hồ sơ của hàng hóa xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan bổ sung thêm 1 số giấy tờ như:
- 01 bản chụp Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán;
- 01 bản chính bảng kê lâm sản đối với gỗ nguyên liệu xuất khẩu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- 01 bản chụp chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa khi làm thủ tục xuất khẩu lô hàng đầu tiên;
- 01 bản chụp Hợp đồng ủy thác trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành hoặc phải có chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa.
Thông tư 39/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/6/2018, bãi bỏ nhiều điều, khoản của Thông tư 38/2015/TT-BTC .
-
Các trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Ngày 20/4/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định về việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, có hiệu lực áp dụng từ ngày 05/6/2018.
Theo đó, Thông tư 38 nêu rõ 03 trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu.
- Hàng hóa nhập khẩu không thuộc hàng hóa phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ cho cơ quan hải quan (theo quy định tại Điều 4 Thông tư 38);
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp quy định miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng người khai hải quan đề nghị nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì cơ quan hải quan tiếp nhận và kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo đúng quy định.
-
Bảo vệ dân phố được trang bị 05 loại công cụ hỗ trợ
Bộ Công an ban hành Thông tư 17/2018/TT-BCA quy định về việc trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho một số đối tượng. Cụ thể:
- Ban bảo vệ dân phố được trang bị 05 loại công cụ như: Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp, găng tay bắt dao;
- Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động được trang bị 03 loại công cụ hỗ trợ như: Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại;
- Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được xem xét trang bị 05 loại công cụ hỗ trợ như: Dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao;
- Lực lượng bảo vệ tại ngân hàng; bệnh viện; khu kinh tế, khu công nghiệp;… được xem xét trang bị thêm súng bắn điện, súng bắn đạn nổ, cao su, hơi cay và đạn sử dụng cho các loại súng này; phương tiện xịt hơi cay.
Chi tiết xem thêm Thông tư 17/2018/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.
-
Định mức sử dụng xe ô tô theo chức danh trong quân đội, công an
Chính phủ ban hành
Nghị định 85/2018/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo đó, sỹ quan có cấp bậc quân hàm cao nhất được sử dụng xe ô tô theo định mức như sau:
- Đối với Đại tướng: Được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác, tùy tình hình thực tế mà Thủ tướng quyết định chủng loại, giá mua xe;
- Đối với Thượng tướng, Đô đốc, Hải quân: Được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa là 1.100 triệu đồng/xe;
- Đối với Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân: Được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa là 920 triệu đồng/xe;
- Đối với Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân: Được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, đi công tác với giá mua tối đa là 820 triệu đồng/xe.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của
LawNet.
Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn